Quyết tâm đưa cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng về đích đúng hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đầu tư Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ

Với tầm vóc quan trọng của Dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, ngay sau Lễ khởi công, các cơ quan chức năng, địa phương, nhà thầu cần chung tay nỗ lực triển khai, quyết tâm đưa Dự án về đích đúng hẹn và đảm bảo chất lượng.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương nghiên cứu chi tiết điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn để tối ưu nhất về hướng tuyến, hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình cầu theo hướng đồng bộ, hiện đại; bố trí các nút giao hợp lý, tạo động lực cho việc phát triển quỹ đất của các địa phương. Bộ GTVT với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, dự toán, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế trong giai đoạn thi công, không làm tăng tổng mức đầu tư Dự án. Tính đến nay, công trình đáp ứng tiến độ khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có quy mô lớn, tuyến đường trải dài qua khu vực có địa chất nền đất yếu nhưng với tư duy mới, cách làm mới, với những cơ chế đặc thù, Dự án đã tiết kiệm được hơn một nửa thời gian chuẩn bị so với thủ tục thông thường. Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao quyết tâm của UBND các tỉnh, thành phố với vai trò là cơ quan chủ quản, sự nỗ lực của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và cơ quan chuyên môn về xây dựng, làm việc không có ngày nghỉ. “Đây chính là những chiến công âm thầm, những bó hoa tươi thắm dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Người ra lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ông nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, hoàn thiện thủ tục để tổ chức khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần mới là thành công bước đầu. Trong giai đoạn tiếp theo, để triển khai Dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, còn rất nhiều việc phải làm, nhất là ở phía các địa phương cũng như các đơn vị tham gia triển khai Dự án.

Với kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị, các địa phương cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, di dời các công trình hạ tầng, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, không để xảy ra tình trạng bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công; bố trí đủ các bãi đổ thải.

Với vai trò là bộ quản lý chuyên ngành và là cơ quan đầu mối, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành cam kết phối hợp và hỗ trợ tối đa các địa phương trong quá trình triển khai Dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các địa phương khẩn trương xác định nhu cầu vật liệu xây dựng cho toàn bộ Dự án, trước mắt là nhu cầu cho năm 2023. Cụ thể, UBND tỉnh Sóc Trăng khẩn trương hoàn thiện thủ tục gia hạn các mỏ cát hiện có; UBND tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ làm việc cụ thể với UBND tỉnh An Giang để xác định ngay các mỏ cát khai thác cho các dự án thành phần còn lại. Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thổi giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng Dự án.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công, tổ chức thi công tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan.

Với vai trò là bộ quản lý chuyên ngành và là cơ quan đầu mối, ông Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành cam kết phối hợp và hỗ trợ tối đa các địa phương trong quá trình triển khai Dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế. Tất cả cho mục tiêu Dự án “cán đích” đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, sớm đưa vào vận hành để tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên đề