Hiện thực hóa tuyến cao tốc trong mơ của người Tây Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ cho biết, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 37,4 km với tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng, đi qua địa phận 3 huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ của TP. Cần Thơ với tổng số gần 1.100 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng.
Nút giao cắt Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Nút giao cắt Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Với thời gian chuẩn bị chỉ khoảng 1 năm, toàn bộ các cơ quan chức năng của TP. Cần Thơ đều nỗ lực, phối hợp triển khai thực hiện để đáp ứng vượt tiến độ Dự án.

Tâm lý háo hức chờ đợi và mong sớm hoàn thành tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khiến nhiều người dân đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. Các nhân sự được giao công tác chuẩn bị cũng nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm đôn đốc thực hiện việc áp giá, đền bù, động viên người dân trong diện giải phóng mặt bằng còn lại sớm di dời. Đến nay, hơn 800 hộ dân trong diện phải di dời đã bàn giao đất cho chính quyền (đạt gần 80% tổng số hộ dân di dời). Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng 90% vào ngày 30/6/2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà thầu vào cuối năm 2023.

Cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, thời gian qua, lãnh đạo 4 địa phương có Dự án đi qua đã họp bàn để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cát san lấp cho Dự án. Phía tỉnh An Giang đã làm các thủ tục giao 2 mỏ cát (mỏ cát Bình Phước Xuân trên sông Tiền huyện Chợ Mới và mỏ cát ở Nhánh Cù lao Tây) cho tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ phục vụ thi công các dự án thành phần.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của TP. Cần Thơ đang nỗ lực triển khai công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể là di dời 3 đường điện cao thế 220kV thuộc Công ty Truyền tải điện 4 - Truyền tải điện miền Tây 1; đường điện trung và hạ thế do Công ty Điện lực TP. Cần Thơ quản lý. Trên phạm vi thi công Dự án thành phần 2, các đơn vị chức năng đang đẩy nhanh việc di dời đường ống cấp, thoát nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cần Thơ và Công ty CP Cấp thoát nước Trà Nóc - Ô Môn. Cùng với đó là di dời các đường dây viễn thông của Viettel Cần Thơ, Trung tâm Kinh doanh VNPT - Cần Thơ; Truyền hình cáp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ; Truyền hình cáp SCTV Cần Thơ; Chi nhánh Cần Thơ - Công ty CP Viễn thông FPT; VTVcab Cần Thơ...

Quan sát từ thực tế các địa phương cho thấy, lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ quản đầu tư, các cơ quan chức năng tại từng địa phương đều nỗ lực hết mình để từng bước hiện thực hóa tuyến cao tốc. Ngày 17/6/2023, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ chính thức khởi công, ghi một dấu mốc lớn trong việc hiện thực hóa giấc mơ của người Tây Nam Bộ. Lãnh đạo nhiều địa phương, đơn vị bày tỏ quyết tâm chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, phối hợp, nỗ lực cùng đội ngũ nhà thầu thi công sớm đưa công trình vào khai thác.

Theo Bộ Giao thông vận tải, bình quân 01 dự án quan trọng quốc gia, sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu và khởi công mất khoảng 2 đến 3 năm. Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có quy mô lớn, tuyến đường trải dài qua khu vực có địa chất nền đất yếu nhưng với tư duy mới, cách làm mới, với những cơ chế đặc thù, Dự án đã tiết kiệm được hơn một nửa thời gian so với thủ tục thông thường. Để làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án cao tốc đồ sộ này, mỗi địa phương đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án thành phần qua địa phương mình, xây dựng quy chế phối hợp... Dự án hoàn thành sẽ tạo nên mạng lưới kết nối giao thông hiện đại từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như cả nước, mở cơ hội lớn phát triển kinh tế - xã hội cho miền Tây Nam Bộ.

Chuyên đề