Nhiều thách thức với tái cơ cấu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần 1 năm sau khi Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được ban hành, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức và khó có khả năng hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra. Hai nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cho đến nay vẫn chưa có phương án rõ ràng…
Chủ trương chuyển giao bắt buộc với Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng phương án cụ thể vẫn chưa được công bố. Ảnh: Song Lê
Chủ trương chuyển giao bắt buộc với Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng phương án cụ thể vẫn chưa được công bố. Ảnh: Song Lê

Chỉ tiêu đáng chú ý tại Đề án là phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng (TCTD), xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém).

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã đạt được một số kết quả tích cực. Các NHTM cổ phần về cơ bản đều tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu; tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Thực tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2023 là 2,91%. Con số này tuy chưa chạm trần 3%, nhưng đang có dấu hiệu tăng nhanh so với tỷ lệ nợ xấu 2% vào cuối năm 2022; 1,49% vào cuối năm 2021 và 2,46% vào cuối năm 2016. Cùng với đó, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy, có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định hiện hành, nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu. Do đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ.

Về xử lý các TCTD yếu kém, cho đến nay, 4 TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu vẫn chưa có tiến triển rõ ràng nào trong quá trình tái cơ cấu. Báo cáo với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết, chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng này đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng phương án cụ thể vẫn chưa được công bố. Chưa kể, từ tháng 10/2022, NHNN lại đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, hiện chưa có phương án cụ thể xử lý với ngân hàng này.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, kể từ thời điểm Đề án có hiệu lực, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến cố bất lợi. Do đó, dù có nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu các TCTD, song một số mục tiêu cụ thể trong Đề án là khó có thể đạt được.

Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Linh, NHNN rất nỗ lực tạo sự ổn định cho hệ thống, nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, từ đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các NHTM. Tuy nhiên, để quá trình tái cơ cấu TCTD trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt, cần tiếp tục củng cố hành lang pháp lý, trong đó, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các ngân hàng. “Ngoài ra, luật hóa quy định về xử lý nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng giải quyết được “cục máu đông” một cách lành mạnh. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lý thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường vốn để dòng tiền trong nền kinh tế được lưu thông lành mạnh, hiệu quả”, ông Linh nói.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các hành lang pháp lý đang được xây dựng theo hướng tăng cường kiểm soát, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố là những yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu, thúc đẩy hệ thống TCTD phát triển bền vững trong thời gian tới.

Về cơ chế giám sát, theo ông Huân, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong cơ chế giám sát và thực hiện các bài kiểm tra sức chống chịu. Theo đó, có sự liên thông về dữ liệu theo thời gian thực giữa các NHTM và NHNN để cơ quan giám sát sớm phát hiện, đánh giá rủi ro và đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.

Một điểm rất quan trọng, theo ông Huân, là tách bạch giữa nghiệp vụ của NHTM và nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư trong hoạt động của hệ thống TCTD để tránh hệ lụy từ tình trạng huy động vốn từ dân cư đi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến rủi ro và sụp đổ như Ngân hàng SVB của Mỹ.

Ở khía cạnh khác, theo ông Huân, việc tái cơ cấu các TCTD thời gian tới cũng cần gắn liền với định hướng bền vững hơn, tức là để nền kinh tế phát triển dựa vào thị trường tài chính, cụ thể là phát triển thị trường vốn lành mạnh. Từ định hướng đó, Đề án cần xem xét và sửa đổi sao cho phù hợp với bối cảnh mới, các mục tiêu có thể gia hạn dài hơn năm 2025 và giải quyết những bài toán dài hạn, chứ không chỉ là xử lý vấn đề hiện có của thị trường.

Chuyên đề