Nợ xấu tăng, ngân hàng ráo riết tái cơ cấu nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đang gia tăng do các khó khăn của doanh nghiệp bộc lộ rõ nét hơn, quy định về tái cơ cấu các khoản nợ đã hết hiệu lực. Trong khi đó, kết quả xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Đây có thể là áp lực khiến nhiều nhà băng tìm cách bán tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu thời gian gần đây.
Các ngân hàng đã và đang ráo riết rao bán tài sản để xử lý, thu hồi nợ, giải phóng áp lực tăng vọt nợ xấu khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ảnh: Nhã Chi
Các ngân hàng đã và đang ráo riết rao bán tài sản để xử lý, thu hồi nợ, giải phóng áp lực tăng vọt nợ xấu khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ảnh: Nhã Chi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, không trả được nợ ngân hàng. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Đến cuối tháng 4/2022, nợ xấu nội bảng là 211,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 11% so với cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 1,58%.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn được kiểm soát ở mức dưới 2%, nhưng khi những khó khăn của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, người dân bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn tới tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản, gặp nhiều khó khăn.

Nhận định này của NHNN xuất phát từ thực trạng khó bán tài sản bảo đảm của ngân hàng trong thời gian qua. Đơn cử, gần đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 15. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm 5 quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông báo chào bán lần thứ 11 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh. Tài sản bảo đảm của khoản nợ này là Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn diện tích hơn 64 ha, quyền sử dụng và khai thác các mỏ nguyên liệu...

Tương tự, cuối tháng 6, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo bán đấu giá lần thứ 28 khoản nợ hơn 708 tỷ đồng của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng, trong đó nợ gốc hơn 352 tỷ đồng, nợ lãi hơn 356 tỷ đồng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng lưu tâm trong năm 2022. Dù nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng trong năm 2021 giảm nhẹ (xuống 1,5% từ mức 1,7% năm 2020), nhưng nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) tăng lên 6,3% cuối năm 2021 (từ 5,1% năm 2020). Dự kiến, nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ tăng lên mức 2% và nợ xấu gộp còn ở mức cao, khoảng 6%.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, nợ xấu tăng trong những tháng tới cũng là điều đáng lưu ý khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn 2016 - 2017. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao nhất lịch sử vào cuối năm 2021. Mặt khác, các nhà băng đã thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, sức ép nợ xấu tăng cao, tiềm ẩn tác động bất ổn với chất lượng tài sản và hiệu quả hoạt động khiến các ngân hàng đang tìm nhiều cách để tái cơ cấu nguồn vốn.

“Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn đồng nghĩa với việc nhiều khoản nợ bình thường sẽ trở thành nợ xấu. Hạn mức tín dụng đã cạn khiến nhiều khách hàng muốn vay đảo nợ không thực hiện được, nợ xấu sẽ lộ rõ và đây là nguyên nhân khiến ngân hàng thúc đẩy quá trình bán tài sản bảo đảm để nhanh chóng thu hồi vốn. Đồng thời, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, nếu dự báo thị trường trầm lắng trong thời gian tới thì ngân hàng sẽ đẩy mạnh rao bán tài sản bảo đảm là bất động sản để nhanh chóng thu hồi nợ. Đây là những động thái cần thiết dù không dễ dàng thực hiện trong giai đoạn hiện nay”, ông Linh nói.

Chuyên đề