Nhiều rào cản cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục được duy trì nhằm đồng hành với doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ (NQ02) 6 tháng đầu năm 2022 nổi lên hai gam màu tương phản về mức độ quan tâm, chú trọng trong bức tranh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một số địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Nam… đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với quy định. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Một số địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Nam… đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với quy định. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Theo yêu cầu đề ra tại NQ02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trước ngày 10/6, các bộ, ngành và địa phương phải báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 6 tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến ngày 22/6, Bộ KH&ĐT mới nhận được báo cáo của 10/27 bộ, ngành cơ quan (Nội vụ, KH&ĐT, Tài chính…) và 22/63 địa phương (Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Tháp…).

Qua theo dõi việc triển khai NQ02, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét, hầu hết các báo cáo đã bám sát yêu cầu của NQ02, chất lượng báo cáo của các địa phương đã cải thiện hơn so với trước đây với việc cập nhật tương đối đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết cũng như nêu ra những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để thực hiện hiệu quả mục tiêu, giải pháp Nghị quyết đề ra.

Tuy vậy, vẫn còn địa phương chậm trễ đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Một số báo cáo chưa bám sát yêu cầu, chưa cập nhật thông tin mới về tình hình và kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2022.

Đáng chú ý, theo bà Thảo, qua nghiên cứu thực tiễn và tham khảo các báo cáo cho thấy, đang có 2 gam màu khác biệt về mức độ quan tâm đến cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh giữa các đơn vị.

“Ở địa phương, mức độ quan tâm đến cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn. Trong khi đó, mức độ quan tâm và chú trọng đến hoạt động này lại có sự suy giảm ở cấp bộ, ngành”, bà Thảo đánh giá.

Minh chứng cho nhận xét này, bà Thảo chỉ ra, nhiều tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Quảng Nam… đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) từ 30 - 50% so với quy định. Một số tỉnh, thành phố năng động, sáng tạo trong việc đề xuất và thực thi các giải pháp cải cách, hỗ trợ DN.

Trong khi đó, ở cấp bộ, ngành lại có tình trạng gửi báo cáo chậm hơn so với yêu cầu; có những nội dung thông tin không khác biệt so với trước đây; chưa thể hiện được rõ nét nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu và các nội dung trọng tâm cải cách mới của Nghị quyết.

“Có thể nói, mức độ quan tâm của các bộ, ngành chưa tương xứng với vai trò và trách nhiệm cũng như chưa đáp ứng được sự cần thiết của cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng DN kỳ vọng”, bà Thảo nêu.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời Bình Thuận cho rằng: “Thời gian qua, không ít khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời được chúng tôi kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này phần nào làm nản lòng nhà đầu tư”.

Về việc cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, từ năm 2021 đến nay, mức độ cải cách trong hoạt động này ở cấp bộ, ngành có xu hướng chững lại.

Báo cáo về tình hình thực hiện NQ02 6 tháng đầu năm 2022 vừa được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ nêu rõ vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đó là hệ thống pháp luật hiện hành vẫn chưa thực sự đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi; một số phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN vẫn còn chậm được trả lời hoặc các biện pháp, giải pháp của bộ, ngành, địa phương đưa ra chưa tháo gỡ được bất cập, vướng mắc cốt lõi của DN…

Bộ KH&ĐT đề xuất 6 nhóm giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cần coi trọng cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của DN; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi chính sách; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực, triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến, tạo cơ hội cho các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…

Chuyên đề