Ngành dệt may trông chờ vào các hiệp định thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 được dự báo vẫn là năm khó khăn của thị trường hàng dệt may do tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết là tia hy vọng đối với các doanh nghiệp trong ngành. Đây sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong các năm tới, là tiền đề quan trọng giúp ngành dệt may phục hồi.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2021 có thể đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2021 có thể đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Sóng gió chưa qua

Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu hàng dệt may mỗi năm. Dịch Covid-19 lan rộng từ đầu năm 2020 đã khiến nhiều đơn hàng của các đối tác từ hai thị trường này bị giãn và hủy, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Kể từ tháng 6/2020, làn sóng xin bảo hộ phá sản của các nhà bán lẻ ở Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn trong việc thu hồi công nợ. Điển hình là trường hợp Công ty CP May Sông Hồng đã phải trích lập dự phòng lên đến 154 tỷ đồng cho khoản phải thu từ đối tác Mỹ - New York & Company. Sự sụt giảm của các đơn hàng đã khiến lợi nhuận năm 2020 của May Sông Hồng giảm tới 231,8 tỷ đồng, tương đương mức giảm 48% so với năm 2019.

Đối với Tổng công ty CP May Việt Tiến, doanh nghiệp này vừa công bố mức lãi ròng thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2020 giảm 21% so với năm 2019, xuống còn 7.121 tỷ đồng. Lãi ròng giảm 65%, xuống còn 143 tỷ đồng. Công ty cho biết, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, Mỹ và EU (thị trường xuất khẩu chủ yếu của Tổng công ty), các đối tác nhập khẩu đã giảm một phần đơn hàng dẫn đến doanh thu của May Việt Tiến sụt giảm.

Ngay cả doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng báo lãi ròng năm 2020 giảm gần một nửa so với năm 2019, đạt 146 tỷ đồng. Một loạt doanh nghiệp dệt may khác như Công ty CP Sợi Thế Kỷ báo lãi ròng giảm đến 33%, xuống 143,3 tỷ đồng; Tổng công ty May Hưng Yên báo lãi giảm 28%, đạt 75,6 tỷ đồng; Công ty CP Garmex Sài Gòn lãi ròng 45,5 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2019…

Một số doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG hay Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã linh hoạt chuyển đổi sản xuất, tìm được các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế, giúp bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt nên có mức sụt giảm doanh thu thấp hơn.

Theo Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 1/2021 do Bộ Công Thương phát hành, tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1 - 2 năm tới. Dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường hàng dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Chờ cú hích từ các hiệp định thương mại

Cũng theo báo cáo nói trên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ giúp các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU (thuộc nhóm B5 và B7) bắt đầu được hưởng thuế quan ưu đãi từ năm 2021.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ký kết tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường vẫn chưa kiểm soát được đại dịch. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Công ty CP Chứng khoán FPT dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ chậm và đến năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam mới có thể quay trở lại như năm 2019 (tức là giá trị xuất khẩu đạt 39 tỷ USD).

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2021, ngành dệt may Việt Nam vẫn nằm trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Covid-19. VITAS dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2021 có thể đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020.

Chuyên đề