Hiệp định RCEP: Xung lực mới thúc đẩy đầu tư phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến ngày 2/11/2021, 6 nước ASEAN (Singapore, Brunei, Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam) và 4 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia) đã hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Như vậy, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022. Với việc thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất, Hiệp định được xem như một xung lực mới thúc đẩy đầu tư, thương mại, củng cố các chuỗi giá trị trong khu vực, phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP lũy kế đến tháng 10/2021 chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP lũy kế đến tháng 10/2021 chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội gia tăng xuất khẩu, đầu tư

Cho đến nay, RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 15 mà Việt Nam tham gia. Đây là FTA có quy mô thị trường lớn nhất toàn cầu với 15 thành viên (10 nước ASEAN và 5 đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (tương đương 30% dân số thế giới) và 26,2 nghìn tỷ USD GDP (chiếm 30% GDP thế giới). FTA này quy tụ các nguồn cung lớn nhất cũng như các đối tác đầu tư hàng đầu.

Hiệp định bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%). Đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP lũy kế đến tháng 10/2021 chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), RCEP được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác (còn gọi là FTA ASEAN+) với 20 chương và 4 phụ lục. Nhiều cam kết trong hiệp định này cao hơn so với FTA ASEAN+ và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có (doanh nghiệp nhỏ và vừa, mua sắm của chính phủ, thương mại điện tử, nhưng mức cam kết thấp hơn các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…), hoặc có quy định không đáng kể (mua sắm công, thương mại điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ…), một số nội dung để đàm phán sau.

Đối với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, theo bà Trang, Hiệp định RCEP không hướng đến mở cửa thêm thị trường, ít tạo dựng được lợi thế cạnh tranh mới, mà nhằm đa phương hóa các FTA ASEAN+ hiện hành, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, hài hòa các cam kết, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.

Mặc dù xét về góc độ cải cách thể chế, tác động có thể khiêm tốn hơn so với CPTPP, EVFTA, UKVFTA, nhưng theo nhận định của ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc hài hòa hóa các cam kết cũng rất quan trọng, cộng thêm những lĩnh vực mới gần hơn với các FTA thế hệ mới, RCEP có thể giúp gia tăng xuất khẩu, đầu tư và thu nhập quốc gia.

Cùng với những cơ hội, ông Dương chỉ ra, RCEP cũng có một số thách thức như nhập siêu tăng, mức độ tự chủ trong chuỗi cung ứng, khả năng thích ứng với những quy định ở thị trường RCEP (yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm nông, thủy sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc…). Việc ứng phó với các rào cản, quy định mới là không dễ, nếu như không chủ động nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen (tìm hiểu thị hiếu và quy định của các thị trường, thay vì cách làm tiểu ngạch, thiếu gắn kết…), điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, chủ động đề xuất hỗ trợ, kiến nghị tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong chính sách và thực thi.

Nâng cao nhận thức để tận dụng tốt cơ hội

Để thực hiện hiệu quả RCEP, ông Dương đề nghị cần cải cách thể chế theo hướng hài hòa bộ ba chính sách công nghiệp - đầu tư - thương mại; ứng xử với dòng vốn đầu tư nước ngoài dựa vào tiêu chuẩn, chứ không dựa vào tên đối tác.

Từ kinh nghiệm thực thi 14 FTA trong thời gian qua, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trước tiên doanh nghiệp cần phải hiểu những cam kết cụ thể và tiến trình áp dụng trong RCEP, cũng như các tác động dự kiến của các cam kết này. Một trong những lý do khiến nhiều cơ hội từ các FTA trước đó đã bị bỏ lỡ là do doanh nghiệp chưa biết đến hoặc chưa hiểu rõ về những cam kết của Việt Nam và nước thành viên. Theo một kết quả khảo sát của VCCI năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, các bộ, ngành, đơn vị liên quan đang rà soát, ban hành, sửa đổi văn bản pháp luật cần thiết cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến RCEP để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, giúp tận dụng tốt những cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Để giúp cho từng ngành, từng doanh nghiệp nắm bắt được thông tin, chuẩn bị hành trang kỹ càng cho việc hiện thực hóa các cơ hội từ FTA tiềm năng này, một số ý kiến cho rằng, các cam kết tại RCEP cần được hướng dẫn rõ ràng, chi tiết và đầy đủ theo các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Chuyên đề