Các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này trong phần phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10.
Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận, với đề xuất chung là Chính phủ cần có những giải pháp đột phá, căn cơ, chế độ chính sách phù hợp hơn nữa trong việc khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ.
Hoàn thiện thể chế để nắm bắt cơ hội
Theo đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình), việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới sẽ tác động trực tiếp tới cách thức xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi việc xây dựng, thực thi và phản ứng chính sách phải nhanh chóng và kịp thời. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tích cực triển khai các hoạt động để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc thích ứng với công nghệ mới, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Công cho rằng, dù các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới nhưng chưa dám dấn thân, sáng tạo hết mình, chưa dám chạy hết tốc độ. Nguyên nhân là thiếu những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết, hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách pháp luật hiện hành, bao gồm cả thực thi pháp luật chưa hiệu quả, đồng bộ và nhạy bén. Có hiện tượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà chuyển sang các quốc gia khác do những lo ngại về an toàn pháp lý. Cho tới nay, khung khổ pháp lý, nhất là các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, quản lý tài sản kỹ thuật số, huy động vốn, cộng đồng kinh tế chia sẻ, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chia sẻ và kết nối các cơ sở dữ liệu vẫn chưa được ban hành đầy đủ. “Tôi rất mong Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Công đề xuất.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, để kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, cần có sự khởi động sớm cho việc xây dựng thể chế có liên quan đến sự phát triển CMCN 4.0, quản lý có hiệu quả và hỗ trợ cho sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và ứng dụng có hiệu quả các tài sản trí tuệ do người Việt Nam tạo ra...
Nên định lượng đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng
Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ với tăng trưởng, nhiều đại biểu nêu quan điểm, cần đánh giá hoạt động khoa học công nghệ đóng góp được bao nhiêu điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An), một chỉ tiêu được đề cập nhiều hiện nay để đánh giá đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), song chỉ tiêu này mới chỉ được đề cập trong kế hoạch 5 năm mà chưa được đặt ra thành chỉ tiêu hàng năm. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề xuất, TFP nên được đưa thành chỉ tiêu chủ yếu trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, đồng thời bổ sung các chỉ tiêu định lượng khác để phản ánh được đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế. “Các chỉ tiêu này phải có tính pháp lý, chứ không phải chỉ dừng lại ở cách tiếp cận chung chung như là quan tâm, khuyến khích, đẩy mạnh, tăng cường... Cần giao cho ngành kế hoạch và ngành khoa học công nghệ tham mưu xây dựng bộ chỉ tiêu này trở thành chỉ tiêu pháp lệnh, đo lường được để nhất quán chỉ đạo từ trung ương đến địa phương”, ông Nguyễn Tuấn Anh khuyến nghị.
Theo một số đại biểu, việc đánh giá đúng và đầy đủ mức độ đóng góp của khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ là cơ sở để đầu tư và phân bổ ngân sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ, cũng như để cử tri giám sát hoạt động khoa học công nghệ một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, do tiềm lực tài chính cho đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ còn hạn chế, Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để thu hút đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ.