Ảnh Internet |
Vốn vẫn chảy vào bất động sản
Báo cáo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến ngày 20/3, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,43%); tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%). Kết quả này dù được đánh giá là tích cực trong xu thế tín dụng quý đầu năm thường giảm ở những năm trước, song các chuyên gia tài chính vẫn khuyến cáo, cần giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, tiêu dùng để hạn chế rủi ro nợ xấu.
Số liệu thống kê cho thấy, cho vay tiêu dùng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng rất mạnh từ cuối năm 2015 đến nay. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2017 là 65% (năm 2016 tăng 50,2%). Xu hướng tăng trưởng tín dụng cao này vẫn tiếp diễn trong 3 tháng đầu năm 2018.
Một điểm đáng chú ý là tín dụng bất động sản hiện chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước, song lại “ẩn nấp” khá nhiều ở tín dụng tiêu dùng. Những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng tăng tới 50 - 60%, chiếm khoảng 17% tổng tín dụng cả nước. Trong đó, hơn 50% tín dụng tiêu dùng được phục vụ nhu cầu vay mua, sửa chữa nhà ở.
Do vậy, NFSC cho rằng, nếu tính toán một cách đầy đủ, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp (qua kênh cho vay tiêu dùng, cho vay xây dựng), thì tổng dư nợ cho vay bất động sản có thể lên tới hơn 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. “Thị trường bất động sản đang tiếp tục ấm lên, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn, từ vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối… cho đến vốn tín dụng của các ngân hàng. Bất động sản vẫn là kênh rót vốn ưa thích của các ngân hàng thương mại vì lợi nhuận lớn, tài sản đảm bảo ít bị mất giá, có tính thanh khoản cao”, NFSC nhận định.
Cảnh báo rủi ro
Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm dù được đánh giá vẫn đang trong xu hướng tích cực khi hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng GDP quý I, song nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại rằng, dòng vốn ngân hàng vẫn đang chảy nhiều vào các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán.
Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch NFSC cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, khi giải ngân vốn đầu tư công gặp khó, tín dụng có thể là bệ đỡ, nhưng cần kiểm soát chặt dòng chảy của tín dụng. Nếu tín dụng tiếp tục rót vào bất động sản và lách bằng tín dụng tiêu dùng, bong bóng bất động sản có thể xảy ra, gây thêm một lớp nợ xấu mới, chồng lên nợ xấu đang tồn đọng của ngân hàng. Cơn sốt đất nền diễn ra tại TP.HCM vào giữa năm 2017 chính là một cảnh báo từ thực tế.
Hơn nữa, trước bối cảnh nợ xấu chưa thể xử lý nhanh thì tín dụng nhà, đất càng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Hiện tại, theo NFSC, chất lượng tài sản và tiến trình xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện vẫn chưa có nhiều cải thiện; xử lý nợ xấu chậm do năng lực trích lập dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng cũng còn hạn chế, việc phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn pháp lý, quá trình tố tụng kéo dài… là những lý do buộc các ngân hàng càng phải thận trọng khi cho vay bất động sản.
Mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Theo tính toán, thị trường căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM có quy mô tiêu thụ khoảng 60 - 70 nghìn căn hộ/năm, tương ứng khoảng 8 - 9 tỷ USD. Với tỷ lệ vay vốn ngân hàng thường phổ biến ở mức 50 - 70% tổng giá trị căn hộ hiện nay, có thể thấy phần đáng kể trong các khoản vay mua nhà được chảy vào thị trường nhà đất, vốn luôn tiềm ẩn yếu tố đầu cơ ở mức cao.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, bài học từ khủng hoảng tài chính toàn cầu từng xảy ra khi bong bóng tín dụng cho vay mua nhà tại Mỹ vỡ tung, đã tác động dây chuyền dẫn đến nhiều ngân hàng lớn phải phá sản vẫn còn hiện hữu. Do vậy, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều quan trọng trước hết cần xem xét thời điểm này là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.