Cần cơ chế thúc đẩy, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định, đối với dự án khởi công mới, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đáp ứng điều kiện là dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.

Ông Nguyễn Khắc Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang

Trên thực tế, thời gian thực hiện vừa nêu chỉ khả thi trong điều kiện đã có mặt bằng sạch và vốn bố trí sát với điều kiện thực tế, phù hợp chiến lược. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại địa phương khá phức tạp, nhiều vướng mắc, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện toàn dự án.

Luật Đầu tư công quy định việc tách công tác GPMB thành dự án độc lập được áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, trong khi trên địa bàn tỉnh Hà Giang chủ yếu đang triển khai đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C. Do đó, cần có cơ chế mở rộng nhóm đối tượng được tách phần hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư thành một dự án độc lập, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Ngoài ra, bất cập trong việc định giá đất và các tài sản hình thành trên đất cũng đang là nguyên nhân gây cản trở đến công tác đền bù GPMB. Cụ thể, hầu hết giá đất đền bù thấp hơn nhiều so với giá thị trường; việc định giá tài sản giữa các ranh giới còn chưa có sự đồng nhất, dẫn đến sự so sánh, khiếu nại...

Cùng với đó, công tác GPMB đối với diện tích đất trồng lúa; việc định giá rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh phải thực hiện qua nhiều bước, thủ tục phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện đầu tư.

Thời gian qua, tiến độ của nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị ảnh hưởng lớn bởi công tác GPMB. Theo đó, cần thiết có những cơ chế, quy định nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện GPMB, tăng hiệu quả đầu tư.

Chuyên đề