Xây lắp bất động sản: Thị trường co hẹp, cạnh tranh khốc liệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự cạnh tranh trong thị trường xây dựng, nhất là đối với các dự án bất động sản, ngày càng khốc liệt. Trong năm 2022, các nhà thầu xây lắp kỳ vọng vào gói kích thích đầu tư công, hạ tầng giao thông được đẩy mạnh từ đó giúp thị trường bất động sản sôi động.
Việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho nhà thầu trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho nhà thầu trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Sức ép cạnh tranh

Trong số các nhà thầu Việt quen thuộc với các chủ đầu tư bất động sản trong và ngoài nước, có thể kể đến Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Corp). Danh sách Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2021 do Vietnam Report công bố cho thấy Hòa Bình Corp xếp thứ 2, sau Công ty CP Xây dựng Coteccons. Từ cuối năm 2021, theo báo cáo tài chính, Hòa Bình Corp đã vượt qua Coteccons cả về doanh thu, lợi nhuận, lẫn giá trị vốn hóa thị trường. Hiện nay, nhà thầu này đang thi công 109 công trình, có mặt tại 49/63 tỉnh thành và 4 quốc gia, đồng thời là nhà thầu xây dựng Việt Nam duy nhất 7 lần liên tiếp được bình chọn "Thương hiệu Quốc gia".

Để chinh phục được đỉnh cao này, tính đến nay, Hòa Bình đã đầu tư 1.746 tỷ đồng cho máy móc, thiết bị, cạnh tranh bằng thực lực.

Trong số các tên tuổi lớn, Công ty CP Xây dựng Coteccons bị đối tác nước ngoài là Kusto thôn tính từ năm 2020 và nắm toàn bộ quyền kiểm soát tại doanh nghiệp này. Về tay chủ mới, Coteccons khép lại một năm đầy khó khăn khi lũy kế cả năm 2021 chỉ đạt 9.087 tỷ đồng doanh thu, giảm 38% so với mức 14.558 tỷ đồng của năm 2020; lợi nhuận ròng chỉ còn 24 tỷ đồng, giảm 93% so với năm 2020. Kể từ năm 2009, thời điểm Công ty công bố số liệu tài chính đến nay, 2021 là năm Coteccons có mức lợi nhuận “bết bát” nhất.

Tương tự, dù tách bạch hoàn toàn khỏi Coteccons vào năm 2021, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons - một trong những doanh nghiệp xây dựng nằm trong Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín năm 2021 - ghi nhận mức doanh thu 8.093 tỷ đồng, tăng so với năm 2020, nhưng trừ chi phí, chỉ lãi ròng vỏn vẹn 80 tỷ đồng, giảm hơn 68% so với năm trước. So với chỉ tiêu đề ra, Ricons chỉ thực hiện được 53% kế hoạch năm 2021 và đó cũng là mức lợi nhuận thấp nhất 5 năm của công ty này.

Năm 2022, các nhóm ngành cung ứng như vật liệu xây dựng, xây lắp thi công sẽ bứt phá vì thị trường bất động sản “nóng” trở lại. Để đáp ứng nguồn cung ra thị trường, các doanh nghiệp bất động sản phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng, và các doanh nghiệp xây dựng chính là một mắt xích quan trọng trong chiến lược đó.

Hiện nay, chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán tập trung, cả nước đã có gần 100 doanh nghiệp ngành xây dựng đang niêm yết. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp lớn đang “ẩn mình” chưa lên sàn. Và cuộc cạnh tranh ấy rất khốc liệt bởi số lượng DN xây lắp lớn, thị phần hạn hẹp và đối tác đòi hỏi rất cao về chất lượng, thẩm mỹ, giá thành và thời gian hoàn thành. Nói như ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hoà Bình Corp, dư địa của ngành đang dần co hẹp, trong khi năng lực cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Kỳ vọng vào đầu tư công

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, bất động sản luôn được đánh giá là một kênh trú ẩn giúp giảm thiểu rủi ro khi tỷ lệ lạm phát tăng cao. Mặc dù vậy, những đợt lạm phát lớn cũng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu về thuê hay mua bất động sản. Năm 2022 dù có nhiều cơ hội mới mở ra từ sự phục hồi của ngành bất động sản, cũng như những chính sách tháo gỡ dự án được xúc tiến…, nhưng các doanh nghiệp xây dựng lại phải đối đầu với tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, chi phí xăng dầu tăng cao, công nhân lao động lại thiếu hụt.

Trước áp lực cạnh tranh này, Hoà Bình Corp cho biết, ngoài việc tập trung cho thị trường trong nước, trong đó đẩy mạnh mảng hạ tầng công nghiệp nhằm đón sóng đầu tư công, giai đoạn tới sẽ mở rộng ra thị trường quốc tế. Dù biết là khó khăn nhưng Hòa Bình Corp vẫn kiên định với mục tiêu này. “Chúng tôi nỗ lực tự tạo ra năng lực cạnh tranh, tự huy động các nguồn lực, các chuỗi cung ứng. Bước đi có thể chậm hơn nhưng bù lại sẽ ít đối thủ cạnh tranh hơn”, ông Lê Viết Hải cho hay.

Đối với Coteccons, dù “từ chỗ phải đi kiếm chủ đầu tư để lấy dự án, nay rất nhiều chủ đầu tư đã tự tìm đến”, như lời của Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov chia sẻ, thì những sóng gió hậu thâu tóm vẫn chưa lặng. Trong năm nay, Công ty chú trọng vào lĩnh vực xây dựng dân dụng và đầu tư công, xem đây là một trong những định hướng chiến lược nhưng hướng vào các công trình mang tính trọng điểm như trung tâm dữ liệu, nhà ga sân bay, cao ốc văn phòng. Coteccons cho rằng, con số từ 5 - 7 tỷ USD dành cho đầu tư công có giá trị rất lớn và cách làm việc của phía Chính phủ cũng đã cởi mở hơn nhiều.

Dù các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau từng chút một, nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, năm 2022, các nhóm ngành cung ứng như vật liệu xây dựng, xây lắp thi công sẽ bứt phá vì thị trường bất động sản “nóng” trở lại. Để đáp ứng nguồn cung ra thị trường, các doanh nghiệp bất động sản phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng, và các doanh nghiệp xây dựng chính là một mắt xích quan trọng trong chiến lược đó. Đặc biệt, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, trong bối cảnh GDP năm 2022 được dự báo tăng 6,5% - 7% không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội... Do đó, ngành xây dựng nói chung, vật liệu xây dựng nói riêng sẽ có cơ hội phát triển trong năm nay.

Chuyên đề