Pháp luật về công nghệ thông tin được xây dựng từ hơn 10 năm trước nên chưa điều chỉnh được các vấn đề mới phát sinh từ các xu thế phát triển công nghệ. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều rào cản, bất cập
Theo Cơ quan soạn thảo, Luật Công nghệ thông tin (CNTT), Nghị định số 71/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp CNS. Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng do một số tồn tại, bất cập trong hệ thống pháp luật.
Cụ thể, pháp luật về công nghiệp CNTT hiện có một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật khác gây khó khăn trong quá trình thực thi. Nhiều sản phẩm, dịch vụ CNTT và truyền thông sản xuất trong nước có thể thay thế sản phẩm nhập ngoại với giá rẻ hơn, bảo đảm an toàn thông tin, tuy nhiên vẫn chưa được các cơ quan nhà nước ưu tiên lựa chọn. Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định “phải ưu tiên” đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước, mà chưa có cơ chế mang tính bắt buộc, do vậy việc thực hiện tùy thuộc vào chủ quan của các cơ quan, đơn vị.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có doanh thu rất lớn tại Việt Nam, nhưng chưa chịu sự quản lý chặt chẽ của các quy định hiện hành. Trong khi đó, các DN công nghệ trong nước không những bị thu thuế ở mức cao mà còn chịu sự quản lý nghiêm ngặt. Vô hình trung, các chính sách quản lý đang áp dụng bị coi là “bảo hộ ngược” cho DN nước ngoài. Thị trường mua sắm chính phủ vẫn là sân chơi của các DN công nghệ lớn, còn các DN nhỏ, startup rất khó tiếp cận.
Một bất cập nữa gây khó khăn cho công tác quản lý, triển khai là nhiều quy định về công nghiệp CNS chưa cụ thể. Một số quy định chỉ mang tính khuyến khích, ưu đãi đầu tư mà chưa có chính sách ưu đãi cụ thể như sử dụng ngân sách nhà nước như thế nào để đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm công nghiệp CNS... Thiếu quy định về khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường và an toàn đối với sức khỏe con người, trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất đối với sản phẩm thải bỏ…
Pháp luật về CNTT được xây dựng từ hơn 10 năm trước nên chưa điều chỉnh được các vấn đề mới phát sinh từ các xu thế phát triển công nghệ và xu thế dịch chuyển của ngành CNTT sang công nghiệp CNS. Nhiều loại tài sản số chưa được bảo hộ như: tài khoản mạng xã hội của KOL (người có tầm ảnh hưởng) có thể tạo ra thu nhập; tiền mã hóa; các sản phẩm tạo ra bởi cá nhân dưới dạng điện tử…
Luật CNTT mới quy định chung chung về tài nguyên thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, thiếu những quy định thúc đẩy, quản lý tài nguyên này để tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành công nghiệp CNS phát triển.
Công nghệ mới có thể tận dụng tối đa chia sẻ hạ tầng số tạo ra mô hình kinh doanh mới (chẳng hạn như Grab/Uber, Airbnb/Agoda…), song cũng đặt ra một số thách thức đối với quản lý nhà nước, quyền và trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan (nhà thiết kế, sáng tạo; nhà sản xuất, cung cấp; sản phẩm thông minh; người sử dụng và nhà quản lý)… Hiện chưa có khung pháp lý cho các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới. Các DN CNS khi tham gia các mô hình kinh doanh mới bị vướng các quy định pháp lý hiện hành của các ngành, lĩnh vực khác, làm thay đổi bản chất của mô hình kinh doanh.
Mặt khác, dữ liệu số được xác định là “tư liệu sản xuất” của DN CNS, là tài nguyên của nền kinh tế số, nhưng gần như chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, chuẩn hóa thành nguồn tư liệu sản xuất cho ngành công nghiệp CNS.
Vướng đâu sửa đấy hay chờ luật ra đời?
Trên cơ sở phân tích những bất cập, Dự thảo Báo cáo nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp CNS đề xuất 10 nhóm chính sách như: Miễn trừ tạm thời cho các tổ chức, cá nhân thử nghiệm mô hình/sản phẩm mới (cơ chế sandbox) trong giới hạn về thời gian, lãnh thổ, phạm vi; phát triển hạ tầng cho công nghiệp CNS; phát triển tài nguyên dữ liệu số quốc gia; phát triển doanh nghiệp CNS đầu đàn; hỗ trợ vốn, đầu tư, ưu đãi cho công nghiệp CNS…
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, về cơ bản, việc xác lập và thúc đẩy phát triển công nghiệp CNS là cần thiết. Những vấn đề bất cập được Cơ quan soạn thảo xác định trong Dự thảo đã phản ánh sát thực tế.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, để khơi thông kịp thời những điểm nghẽn, không thể đợi xây dựng luật, mà nhiều vấn đề có thể xử lý ngay tại các văn bản pháp luật theo hướng vướng ở đâu thì sửa ở đấy.
“Các giải pháp, chính sách đưa ra cần phải cụ thể, nếu vẫn quy định chung chung như các luật cũ thì không thể giải quyết được những vấn đề bất cập hiện nay, không khả thi và hiệu quả. Việc xây dựng cơ chế sandbox lại càng tùy thuộc vào từng nội dung, lĩnh vực cụ thể mới nghiên cứu, phân tích các cơ chế thí điểm hợp lý, không thể áp một chính sách “đồng phục” cho tất cả các mô hình”, bà Thảo nhấn mạnh.