Ảnh Internet |
Sau một thời gian kéo mặt bằng lãi suất xuống mức hợp lý, gần đây lãi suất đã tăng trở lại. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trong quý I vừa qua, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm trước tăng 2,09%). Huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,26% (cùng kỳ tăng 0,94%); tăng trưởng tín dụng đạt 1,54% (cùng kỳ tăng 1,25%). Những số liệu này chứng tỏ hoạt động ngân hàng rất sôi động. Hoạt động ngân hàng là tấm gương phản chiếu hình ảnh của nền kinh tế. Đáng lý ra hoạt động ngân hàng sôi động thì tốc độ tăng trưởng kinh tế phải cao, nhưng trong quý I vừa qua GDP chỉ tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 6,12% của quý I/2015. Vì thế cần phải mổ xẻ, phân tích kỹ xem tín dụng tăng trưởng thì tiền đổ vào lĩnh vực nào.
Nguyên nhân khiến lãi suất tăng trở lại, theo tôi là do lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2016 tăng 0,99% so với tháng 12/2015 và tăng 1,69% so với cùng kỳ năm 2015. Lạm phát tăng, thực hiện nguyên tắc bảo đảm lãi suất thực dương cho người gửi tiền nên lãi suất huy động, đặc biệt là huy động vốn dài hạn tăng cũng là nhân tố đẩy lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng. Nếu không kiềm chế được lạm phát, lãi suất tăng theo lạm phát thì rất nguy hiểm vì sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế còn hạn chế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp yếu.
Trong quý I vừa qua (tính đến ngày 25/3/2016), Bộ Tài chính đã phát hành được gần 69.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, bằng khoảng 27% tổng lượng phát hành của năm 2015 - năm khối lượng phát hành đạt kỷ lục. Có nghĩa là đã có một lượng tiền khổng lồ không được đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà đổ vào ngân sách nhà nước. Nếu số tiền này mà tập trung vào đầu tư phát triển thì không nói làm gì, đằng này năm 2016 phải sử dụng 95.000 tỷ đồng để đảo nợ.
Chưa có thống kê rằng hiện tại có bao nhiêu tiền đổ vào lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là đổ vào thị trường BĐS, nhưng tôi cho rằng lượng tiền đổ vào BĐS cũng khá lớn. Tín dụng tăng, lãi suất tăng nhưng nếu lượng tiền này đổ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải cho xã hội thì đáng mừng, ngược lại vốn ngân hàng lại tập trung cho lĩnh vực phi sản xuất, cho Nhà nước vay để đảo nợ thì khá nguy hiểm.
Nhưng cũng nhờ thị trường BĐS khởi sắc nên tăng trưởng GDP quý I mới đạt 5,46%, thưa ông?
Hoạt động kinh doanh BĐS trong 3 tháng đầu năm đóng góp nhất định vào tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt là tạo điều kiện phát triển ngành xây dựng. Trong 3 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 9,94% so với cùng kỳ 2015, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016.
Nhưng vấn đề là nếu tốc độ cho vay BĐS tăng gấp đôi tốc độ cho vay sản xuất, kinh doanh khiến cơ cấu tín dụng bất hợp lý, về lâu dài “quả bóng” BĐS ngày càng phình to vì liên tục được bơm tiền dẫn đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nợ xấu gia tăng và tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế.
Đúng là chưa có con số thống kê dư nợ BĐS là bao nhiêu, chất lượng tăng trưởng tín dụng thế nào, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS hiện vẫn rất an toàn?
Tôi cũng hy vọng như vậy! Nhưng để có đánh giá cụ thể về thực trạng thị trường BĐS, theo tôi, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành hữu quan cần phải rà soát, đánh giá lại thị trường này có những điểm tích cực, hạn chế nào và phải chỉ ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. Trong đó, phải xác định rõ nguồn cung BĐS hiện nay là bao nhiêu, tập trung vào phân khúc nào; cầu BĐS là bao nhiêu, tập trung vào loại hàng hóa nào.
Về cá nhân, tôi cho rằng, nhìn chung, cung BĐS đã vượt cầu và giá nhà ở, chung cư bắt đầu đà đi xuống. Điều đáng nói nữa là cơ cấu thị trường BĐS rất bất hợp lý. Trong khi nhà cao cấp, chung cư thương mại cao cấp cung vượt quá xa so với cầu, thì với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp cầu lại lớn hơn cung rất nhiều.