Vĩnh Phúc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn còn có nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, UBND Tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu báo cáo của Tổ công tác nắm bắt, đánh giá tình hình tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng trên địa bàn Tỉnh, căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện và tham mưu giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực cấp phép/thuế/hải quan; ứng dụng chuyển đổi số trong khu vực dịch vụ công, giảm thời gian cấp phép các TTHC để giúp doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc giải quyết TTHC; phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng thu hồi được vốn, có thêm nguồn tiền để cho vay khách hàng.

Công văn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thường xuyên quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường; triển khai chính sách kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng sản phẩm; tổ chức hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư...

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, triển khai thực hiện rộng rãi việc đăng ký giao dịch đảm bảo trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp...

Cục Thuế Tỉnh xem xét sớm hoàn thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng xác định đủ điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng để doanh nghiệp có nguồn thu trả nợ khách hàng.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu giảm thời gian cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng các gói thầu, dự án đối với các công trình, dự án.

Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thành viên về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số tại doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các sở, ngành, các tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin, chính sách của nhà nước để hỗ trợ hiệu quả quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động tín dụng, triển khai nhanh có hiệu quả các chính sách tín dụng, ngân hàng của Trung ương liên quan đến hoạt động tín dụng của doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tổng hợp tham mưu đề xuất UBND Tỉnh các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Xác định khu vực DNNVV không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng doanh nghiệp.

Điều này được thể hiện trong Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; cụ thể hóa các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV của Trung ương và của Tỉnh…

Năm 2023, Tỉnh đã dành hơn 53 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho DNNVV, trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn là 17,6 tỷ đồng; hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ đồng; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ đồng...

Về công tác hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay ưu đãi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tỉnh đã triển khai nghiêm túc quy định về lãi suất; tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và các lĩnh vực ưu tiên.

Vĩnh Phúc hiện có trên 15.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ quý III/2023, thị trường tiêu thụ một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, linh kiện điện tử... có dấu hiệu khởi sắc đã tạo đà cho các doanh nghiệp vượt khó, hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2023.

Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh, tháng 10/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn ổn định, sản lượng và đơn hàng mới ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tăng so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của Tỉnh giảm 2,07% so với cùng kỳ năm 2022. Trong các ngành công nghiệp chủ lực, ngành sản xuất ô tô sau gần 4 tháng thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ của Chính phủ, sức mua ô tô được nhận định chưa đạt như kỳ vọng; ngành sản xuất linh kiện điện tử đang ghi nhận mức giảm 2 tháng liên tiếp và ngành sản xuất xe máy có IIP giảm 8 tháng liên tiếp so với so cùng kỳ. Tuy nhiên, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tháng 10/2023 tăng 3,42% so với tháng trước và tăng 2,11% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,76% so với tháng trước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư