Cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ là công trình giao thông hoàn thành giải ngân 100% năm 2023. Ản: Internet |
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 của Vĩnh Phúc đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%); cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (đạt 51,38%) và xếp thứ 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao. Đạt được thành tích này là nhờ UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư công, trong đó ngay từ cuối năm 2022 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các chủ đầu tư, các huyện, các xã; thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án để điều chỉnh, điều hòa phù hợp tăng khả năng giải ngân vốn đầu tư cho dự án; chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng và lộ trình tháo gỡ các vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phân công cụ thể các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư của các dự án trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công theo quy định...
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có một số dự án giao thông được triển khai các thủ tục đầu tư: Cải tạo, nâng cấp QL2C (cũ) và xây dựng cầu Giã Bàng trên ĐT.303; Bến xe khách phía Đông đô thị Vĩnh Phúc; Đường từ ĐT.310B kết nối đường Đ3 khu vực thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; Cải tạo, nâng cấp ĐT.302, đoạn từ Km32+00 đến Km35+370 và xây dựng mới cầu Chang tại Km35+150; Cải tạo, nâng cấp ĐT.306 đoạn từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch; Xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; Xây dựng 02 nút giao IC2, IC5 tuyến đường cao tốc Nội Bài ‑ Lào Cai qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Đường vành đai 4, đoạn từ huyện Bình Xuyên đến huyện Vĩnh Tường (giai đoạn 2); Tuyến giao thông kết nối Bệnh viện Sản ‑ Nhi Vĩnh Phúc với hệ thống giao thông khu vực…
Trong 9 tháng đầu năm, 3 dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Dự án Mở rộng đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh (vốn giao năm 2023 là 169,95 tỷ đồng, đã giải ngân được 133,887 tỷ đồng, đạt 79%); Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ (vốn giao năm 2023 là 100,2 tỷ đồng, đã hoàn thành giải ngân 100%, đã khánh thành thông xe ngày 30/8/2023); Dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt qua đường Nguyễn Tất Thành thành phố Vĩnh Yên (vốn giao năm 2023 là 206,29 tỷ đồng, đã giải ngân gần 120 tỷ đồng, đạt 60%). 3 dự án trên đều do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để thúc đẩy tiến độ giải ngân của các dự án giao thông, thời gian qua, Chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với các Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công kịp thời theo tiến độ đã lập. Chủ đầu tư cũng liên tục chỉ đạo đơn vị tư vấn giám sát, cán bộ quản lý dự án phối hợp chặt chẽ, đôn đốc các nhà thầu bám sát tiến độ chi tiết để đẩy nhanh tiến độ thi công, tranh thủ tối đa các thời điểm có thời tiết thuận lợi để tăng ca, tăng mũi thi công. Đối với các công trình cầu, 100% các nhà thầu duy trì triển khai 3 ca thi công liên tục trong ngày.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính – nhà thầu đang thi công gói thầu xây lắp chính của Dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên cho biết, do tính chất đặc thù về vị trí công trình, quá trình triển khai thi công gặp rất nhiều khó khăn về đường điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng… Bên cạnh công trình thi công vừa là đường sắt, vừa là đường bộ, quá trình thi công phải đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua nên đòi hỏi nhà thầu phải rất cẩn trọng, kỹ lưỡng và tính toán các phương án khi thi công các hạng mục công trình. Tuy nhiên, từ phía UBND tỉnh, các Sở, ngành liên quan, đặc biệt là Chủ đầu tư đã rất đồng hành, sát cánh với Nhà thầu. Công trình được triển khai từ đầu năm 2023, thời gian thực hiện là 24 tháng (tiến độ hoàn thành dự kiến là đầu năm 2025) nhưng đến nay, dưới sự hỗ trợ hết mình của địa phương trong việc giao vốn, giao mặt bằng nên Nhà thầu đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khối lượng thi công hiện đạt khoảng 60% giá trị hợp đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2024 (rút ngắn tiến độ khoảng 5 tháng).
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tập trung tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; triển khai nhanh các thủ tục đầu tư, phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Tổ chức lập kế hoạch chi tiết từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án theo quy định. Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 phải đạt từ 95% kế hoạch vốn giao trở lên; tăng cường họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Các Tổ công tác thực hiện kiểm tra đối với các địa phương, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh; Nghiêm túc điều chuyển vốn đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư.