Vĩnh Phúc: Nhiều khởi sắc trong bức tranh kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do là địa phương có độ mở kinh tế cao nên những tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng tới kinh tế của Vĩnh Phúc trong giai đoạn đầu năm, tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Tình hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc sau 9 tháng năm 2023 hiện đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều khởi sắc song áp lực trong các tháng cuối năm là hết sức khó khăn, đòi hỏi các cấp, ngành tập trung thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp.
9 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã có sự phục hồi tăng trưởng dương khi GRDP theo giá hiện hành đã tăng 3,1%.
9 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã có sự phục hồi tăng trưởng dương khi GRDP theo giá hiện hành đã tăng 3,1%.

Dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã có sự phục hồi tăng trưởng dương khi GRDP theo giá hiện hành đã tăng 3,1%.

Cụ thể, quý I/2023, nền kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn do Vĩnh Phúc là một tỉnh có độ mở kinh tế cao, quy mô công nghiệp lớn trong khi đó nền kinh tế toàn cầu có sự suy giảm dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho đã gây nên áp lực cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, nhất là các ngành chủ lực như sản xuất ô tô chỉ đạt sản lượng bằng 61,5%, ngành sản xuất xe máy đạt 85,7%, ngành sản xuất linh kiện điện tử đạt mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây… Số liệu sơ bộ tại thời điểm quý I/2023, Vĩnh Phúc là một trong 5 tỉnh có tốc độ phát triển GRDP giảm -0,5%.

Tình hình tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc có dấu hiệu phục hồi trong quý II và quý III khi 6 tháng đầu năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%, 9 tháng đầu năm tăng 2,1%; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%, là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi tăng trưởng; trong đó Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; Khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; Khu vực dịch vụ tăng 8,43%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.

Riêng ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc bước sang quý III có dấu hiệu khởi sắc hơn các quý trước, song nhìn chung vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Tốc độ tăng trưởng GRDP quý III dự kiến đạt mức tăng khá so với quý trước (tăng 5,3%) nhưng so với cùng kỳ chỉ đạt mức tăng thấp 0,4%; dẫn đến tăng trưởng 9 tháng của ngành không đạt kế hoạch, chỉ đạt -0,74%.

Một số ngành công nghiệp chủ lực của Vĩnh Phúc cũng có sự tăng giảm. Đơn cử, sản xuất linh kiện điện tử có sự phục hồi vào quý II nhưng lại sụt giảm vào quý III nhưng giá trị tăng thêm 9 tháng đầu năm ước tăng 10,7% thấp hơn mức tăng những năm trước nhưng với cơ cấu chiếm trên 48% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp toàn tỉnh, ngành linh kiện vẫn là động lực chính đóng góp tới 2,20 điểm % vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.

Ngành sản xuất ô tô, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn khi sản xuất 9 tháng đầu năm ước đạt 28,3 nghìn xe, giảm 30,82% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2022 đạt 40,9 nghìn xe). GTTT của ngành ước giảm 29,24%, làm giảm 1,14 điểm % tăng trưởng chung. Ngành sản xuất xe máy với thị trường tiêu thụ trong nước ở giai đoạn bão hòa khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm. GTTT 9 tháng ngành xe máy ước giảm 10,79%, làm giảm 1,06 điểm % tăng trưởng chung.

Với ngành xây dựng, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc quyết liệt triển khai vốn đầu tư công, GTTT ngành xây dựng trên địa bàn đạt mức tăng khá, đặc biệt trong ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng (+9,8%) và xây dựng chuyên dụng (+37,65%). Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, xây dựng nhà ở trong dân cư (chiếm 73% tổng GTTT ngành xây dựng) chỉ đạt mức tăng thấp (+2,89%). GTTT ngành xây dựng quý III ước tính tăng 6,12%, tính chung 9 tháng đầu năm ước tăng 5,94%.

Trong bức tranh chung của Vĩnh Phúc, giải ngân đầu tư công cũng là một trong những điểm sáng của địa phương. Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đến hết tháng 9 toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 11 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng bằng 73,6% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%); cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (đạt 39,6%) và xếp thứ 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

Môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI (vốn đầu tư từ nước ngoài) tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI (vốn đầu tư trong nước) tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt hơn 491 triệu USD vốn đầu tư DDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 67,7% và đạt 122,8% kế hoạch. Đồng thời, đã thu hút đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt 206,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,05 lần so với kế hoạch năm 2023.

Trong 9 tháng đầu năm đã có một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHFLEX VINA ‑ 1 với tổng mức đầu tư 816 tỷ đồng; Dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; AEON MOTOR VIETNAM CO., LTD với tổng mức đầu tư 564 tỷ đồng; Dự án sản xuất, gia công khay, hộp phục vụ ngành công nghiệp, thương mại điện tử với tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng; Công ty TNHH UNI ‑ CALSONIC Việt Nam với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng; Nhà máy ENPLAS (Việt Nam) Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 168 tỷ đồng; Dự án ACCTON Việt Nam với tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Công ty TNHH công nghệ tiên tiến NIDEC Việt Nam với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Sơn Lôi với tổng mức đầu tư 1.864 tỷ đồng;…

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 95%

Trong 3 tháng cuối năm, theo tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm vụ đặt ra là hết sức khó khăn. Do đó, các cấp, ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất mở rộng sản xuất, sử dụng hết năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…

UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; triển khai nhanh các thủ tục đầu tư, phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về GPMB. Tổ chức lập kế hoạch chi tiết từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án theo quy định. Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung; Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 95% kế hoạch vốn giao trở lên. Tăng cường họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; Các Tổ công tác thực hiện kiểm tra đối với các địa phương, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh; Nghiêm túc điều chuyển vốn đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư.

Để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các Nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN Lập Thạch I và Lập Thạch II, Chấn Hưng, Phúc Yên, Đồng Sóc; Đẩy nhanh tiến độ đối với các KCN đã đi vào hoạt động và đang bồi thường GPMB phần diện tích còn lại của KCN bao gồm: KCN Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Bá Thiện II; các KCN vừa có quyết định thành lập: KCN Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1). Rà soát những khó khăn vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN. Đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt.

Chuyên đề