Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc: Giữ vị thế cực phát triển trong Vùng, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ quy hoạch với chất lượng cao nhất, thể hiện rõ nhất khát vọng và quyết tâm phát triển của Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Mở rộng tầm nhìn phát triển và lộ trình thực hiện rõ ràng

Sáng 20/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian và động lực phát triển mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và địa phương.

Vĩnh Phúc là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, 1 trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; có vị trí cầu nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), là đầu mối các tuyến giao thông như đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Do vậy, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Vùng, khu vực và quốc gia. Năm 2022, quy mô kinh tế của Vĩnh Phúc đứng thứ 9 trong cả nước và thứ 5 trong vùng ĐBSH; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn hằng năm đạt 7,01%/năm.

Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, GRDP đầu người của Vĩnh Phúc vẫn ở nhóm trung bình vùng ĐBSH (đứng thứ 5/11 tỉnh, thành), tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đứng thứ 9/11 trong vùng ĐBSH và chỉ đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước, chưa đạt theo kỳ vọng đặt ra. Ảnh hưởng của yếu tố địa hình, tài nguyên khoáng sản ít, “độ mở” và “tính liên kết” của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn, là vệ tinh tương trợ, kết nối phát triển với Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá và phát triển thương mại, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; quá trình xuất cư còn lớn dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”. Thu hút vốn đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài (FDI), chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI lớn khiến tăng trưởng kinh tế dễ bị ảnh hưởng, phát triển thiếu bền vững khi các doanh nghiệp này thay đổi chiến lược kinh doanh hoặc gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu vắng những dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, do đó, tiềm năng và động lực tăng trưởng trong thời gian tới là chưa thật rõ ràng…

Do vậy, muốn phát triển vững mạnh, Vĩnh Phúc cần xác định rõ được các tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh dẫn đầu vùng.

Cụ thể hóa khát vọng, quyết tâm phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, các cấp, ngành của Tỉnh xác định Quy hoạch Tỉnh có vai trò rất quan trọng, là hành lang pháp lý để từ đó hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói riêng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nói chung, nhất là trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc lập quy hoạch lần này là cơ hội để Tỉnh tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá các điều kiện tự nhiên, đánh giá các nguồn lực phát triển và nhận diện các vấn đề mấu chốt, các điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Từ đó, đưa ra quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, nhất là việc phân bổ không gian, nguồn lực phát triển. Quy hoạch là cơ sở cụ thể hóa khát vọng, quyết tâm phát triển trên địa bàn của Tỉnh.

Theo báo cáo Quy hoạch, Vĩnh Phúc đưa ra mục tiêu xây dựng Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu những năm 2030. Nền kinh tế Vĩnh Phúc phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.

Khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phát huy tốt lợi thế phát triển Vùng, vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ trở thành động lực tăng trưởng của cả Vùng; trong đó tỉnh Vĩnh Phúc là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Phát triển Vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á.

Giữ vị thế của một trong những cực phát triển của vùng ĐBSH; có vị trí trung tâm và là một trong ba cực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội; một trong những địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) trong top 10 đứng đầu cả nước; là một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc và cả nước.

Góp ý cho Dự thảo Quy hoạch, Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, quan điểm phát triển của Tỉnh đưa ra khá toàn diện. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh yếu tố khai thác tối đa tiềm năng của Vĩnh Phúc mà giai đoạn trước chưa thực hiện được; cần tư duy phát triển theo hướng Vĩnh Phúc có đột phá để sớm trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập cao. Triết lý phát triển theo hướng khác biệt riêng có của Tỉnh, nhất là các quan điểm mang tính bứt phá, năng động phải làm “động lực phát triển hàng đầu”, “phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước” như Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSH đặt ra cho các tỉnh trong Vùng.

Hình thành các khu vực động lực và hành lang phát triển

Trong Dự thảo Quy hoạch, Vĩnh Phúc đưa ra phương án phát triển các khu vực có vai trò động lực cho phát triển của Tỉnh. Các khu vực này được xác định là các đô thị, các trung tâm cụm xã, các xã được quy hoạch hình thành đô thị loại V, các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu vực tập trung đông các cơ sở sản xuất tại các xã. Khu vực động lực là những khu vực thuận tiện về giao thông, có quỹ đất bằng phẳng, mật độ dân cư cao, có tiềm năng hình thành đô thị trong tương lai. Định hướng chính để phát triển các khu vực động lực là: mở rộng các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ từ khu vực động lực đến địa bàn các xã, thôn lân cận; đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, công trình giáo dục, y tế, tạo quỹ đất thương mại) trong nội bộ khu vực động lực; quy hoạch khu dân cư, khu thương mại dịch vụ theo mô hình khu dân cư đô thị tại các khu vực động lực, từng bước đưa các khu vực động lực trở thành các đô thị (các biện pháp “tạo thị”); hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, ngân hàng và các bên cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ nông lâm nghiệp, các loại hình dịch vụ đô thị hoạt động tại khu vực động lực, đưa các khu vực động lực thành trung tâm tiểu vùng ở mỗi huyện.

Theo đó, vùng đô thị, công nghiệp trung tâm tỉnh được xác định bao gồm thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ). Đây là khu vực có quỹ đất lớn, hạ tầng giao thông, năng lượng phát triển, có thể sử dụng các dịch vụ sẵn có từ thành phố Vĩnh Yên, thuận lợi cho phát triển đô thị, dịch vụ, thuận lợi cho hình thành các KCN; các trung tâm thương mại cấp vùng, trong khu vực có khu du lịch Đại Lải, Đầm Vạc, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, các điểm cảnh quan đẹp.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 3 đột phá trong phát triển. Một là, khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có của Tỉnh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Hai là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Ba là, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, chính sách, pháp luật; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.

Vùng động lực trên địa bàn Sông Lô - Lập Thạch được xác định là thị trấn Lập Thạch, thị trấn Tam Sơn và Khu hồ Vân Trục; đây là các địa phương nằm cạnh đường vành đai 4, có điều kiện giao thông thuận lợi, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC6, có vị thế thuận lợi, có thể thu hút được các dự án công nghiệp và phát triển du lịch.

Khu vực có vai trò động lực trên địa bàn Tam Đảo: Thị trấn Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu và các xã có quỹ đất phát triển du lịch.

Cùng với đó là các hàng lang kinh tế như: Hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam (đa chức năng) là động lực phát triển của Tỉnh, phát triển đa ngành công nghiệp, du lịch dịch vụ, nông nghiệp, liên kết nội tỉnh các khu vực Vĩnh Tường - Yên Lạc - Bình Xuyên - Phúc Yên, đồng thời tăng cường liên kết hoạt động kinh tế với Hà Nội, Thái Nguyên.

Hành lang du lịch độc đáo, chạy dọc theo dãy Tam Đảo kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch Golf, du lịch MICE… tạo sức hấp dẫn lớn gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Hành lang phát triển ven sông phía Tây liên kết Yên Lạc - Vĩnh Tường - Lập Thạch - Sông Lô, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm logistics, chợ đầu mối nông sản. Ngoài ra, phát triển trên vành đai này các khu vực du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái tại một số vị trí thích hợp.

Hành lang phát triển Bắc Nam liên kết Tam Đảo - Vĩnh Yên- Yên Lạc tới Hà Nội: Trục kết nối vùng núi Tam Đảo - Vĩnh Yên và vùng phía Nam, vùng đồi, đô thị, hồ đầm, đồng bằng, sông Hồng, liên kết cảnh quan, thể hiện sự đa dạng về địa hình và cảnh quan của Tỉnh.

Chuyên đề