Hạ tầng kỹ thuật Vĩnh Phúc hoàn thiện qua các đại công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật. Diện mạo mạng lưới giao thông của Vĩnh Phúc ngày càng đồng bộ hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu kết nối, lưu thông hàng hóa.
Ảnh Interent
Ảnh Interent

Là một trong 7 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc, tiếp cận trực tiếp với hành lang kinh tế phía Bắc…, Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của khu vực và quốc gia. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định đến năm 2025, kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.

Đến nay, hệ thống các đô thị đang được quy hoạch và xây dựng tiến tới hoàn chỉnh; nhiều khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái được đầu tư đồng bộ, hiện đại; thành phố Vĩnh Yên đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I; đô thị Phúc Yên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Được khởi công từ cuối năm 2021 bởi Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty Quảng Lợi, Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã chính thức khánh thành vào cuối tháng 8/2023, vượt tiến độ hơn 4 tháng so với dự kiến. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng, sẽ giúp người dân huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đi lại an toàn, thuận lợi. Qua đó nâng cao năng lực lưu thông, bảo đảm an toàn giao thông, rút ngắn thời gian, khoảng cách về địa lý, góp phần tăng cường giao thương, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, gắn kết giữa nhân dân hai địa phương.

Anh Dương - người dân sống tại Thành phố Việt Trì chia sẻ: "Cây cầu hình thành sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện thay vì phải đi vòng hoặc qua phà đò vất vả như trước nữa. Không chỉ riêng tôi, người dân sống 2 bên bờ sông Lô rất mong đợi cây cầu này”.

Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ

Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ

Còn vào ngày 10/9/2023, Vĩnh Phúc đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng cấp cho phía Nam của Tỉnh với công suất 29.000 m3/ngày đêm. Việc khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 dự án này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch đến 100% hộ dân trên địa bàn Tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới đích xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh. Dự án có 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, áp dụng công nghệ lắng Lamella theo tiêu chuẩn châu Âu và có công suất thiết kế lên đến 900.000 m3/ngày đêm.

Giai đoạn 1 Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng cấp cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc công suất 29.000 m3/ngày đêm

Giai đoạn 1 Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng cấp cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc công suất 29.000 m3/ngày đêm

Bên cạnh Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, Dự án Nhà máy nước sạch sông Hồng, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang trong quá trình xây dựng. Đơn cử như công trình mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh có tổng vốn đầu tư 745 tỷ đồng được khởi công cuối tháng 8/2022; Dự án cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành có tổng mức đầu tư 488 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2022; Dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc, đoạn từ Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) đến Đường 36 m Khu công nghiệp Bình Xuyên đi Khu công nghiệp Bá Thiện quy mô hơn 400 tỷ đồng (khởi công cuối năm 2022)…

Đây sẽ là những công trình tạo dấu ấn mới cho hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc những năm tiếp theo, tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo tiền đề sớm đưa Tỉnh trở thành đô thị loại I trong tương lai.

Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện các công trình giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các địa phương, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong Tỉnh và hình thành các tuyến đường kết nối với các tỉnh thành lân cận, tạo một mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu kết nối, lưu thông hàng hóa.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, việc ưu tiên nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhanh và bền vững.

Quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tổ chức lập kế hoạch chi tiết từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án theo quy định. Xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư