Theo các cổ đông, việc thoái vốn của Vinamed để giảm tỷ lệ sở hữu tại Mediplast không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của pháp luật. Ảnh: Nhã Chi |
Trước đó, Báo Đấu thầu đã có bài phản ánh những vấn đề còn chưa rõ ràng xung quanh việc sáp nhập Công ty CP Nhựa y tế Mediplast vào Tổng công ty Thiết bị y tế Vinamed.
Cổ đông không đồng ý sáp nhập
Tại các ĐHĐCĐ vừa qua, nhiều ý kiến cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo hai công ty xung quanh những vấn đề nêu trên. Chẳng hạn như tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 5/5/2017 của Mediplast, Công ty không công bố cho các cổ đông biết phương án sáp nhập mà chỉ công bố Hợp đồng sáp nhập. Trước sự phản đối của các cổ đông, HĐQT Công ty đã phải thừa nhận việc tổ chức họp ĐHĐCĐ mà công bố thiếu phương án sáp nhập là thiếu sót và cho dừng đại hội để họp lại sau.
Tại Đại hội tổ chức sau đó vào ngày 26/5/2017, vẫn bị cổ đông phản ứng và cho rằng đại hội này thiếu công khai, minh bạch và chưa đúng quy định pháp luật. Việc sáp nhập phải được trình ĐHĐCĐ thông qua về mặt chủ trương, sau khi ĐHĐCĐ có quyết định và ủy quyền thì HĐQT mới tiến hành xây dựng phương án sáp nhập, ủy quyền lựa chọn công ty thẩm định giá…
Các cổ đông yêu cầu HĐQT phải công khai việc định giá tài sản của 2 công ty sáp nhập. Trong phương án sáp nhập cần nêu rõ số liệu giá trị tổng tài sản bao gồm: tài sản cố định hữu hình, giá trị tài sản gắn liền trên đất, giá trị thương hiệu, lợi thế thương mại, giá trị khai thác khả năng sinh lời của bất động sản đang thuê… của cả hai bên công ty sáp nhập, nhất là đối với Mediplast đang quản lý và sử dụng 2.863 m2 đất tại mặt phố Lương Định Của - Đống Đa - Hà Nội và gần 14.000 m2 tại tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, một nội dung quan trọng mà các cổ đông muốn làm rõ là vấn đề thoái vốn của Vinamed.
Trước cổ phần hóa, Tổng công ty Thiết bị y tế Vinamed là một doanh nghiệp thuộc Bộ Y tế. Công ty CP Nhựa y tế Mediplast là công ty con của Vinamed. Năm 2006, Mediplast tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước sở hữu 48% vốn điều lệ và do Vinamed làm đại diện sở hữu. Cũng trong năm này, Vinamed cổ phần hóa, vốn nhà nước còn 20%. Sau khi tổ chức ĐHĐCĐ thành lập, Vinamed đã tiến hành mua vào cổ phiếu Mediplast, nâng tỷ lệ sở hữu của Vinamed tại công ty này lên hơn 69%.
Đến tháng 5/2017, hai công ty tổ chức ĐHĐCĐ và đưa ra phương án sáp nhập Mediplast vào Vinamed. Tại các đại hội này, cổ đông phát hiện Vinamed đã bán 45,5% cổ phiếu Mediplast và chỉ còn sở hữu hơn 23%.
Thoái vốn không thông qua đấu giá?
Đơn thư kiến nghị của các cổ đông nhấn mạnh việc ai là người đã mua số cổ phần 45,5% này? Người mua có quan hệ ra sao với ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Vinamed và cũng là Chủ tịch HĐQT Mediplast trong giai đoạn từ tháng 10/2016 đến tháng 4/2017?
Trước đó, các cổ đông đã yêu cầu Mediplast cho biết việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu của Vinamed đã được sự phê duyệt của cơ quan quản lý vốn nhà nước hay chưa? Bộ Y tế đã phê duyệt việc thoái vốn tại văn bản nào, mức giá bán được phê duyệt là bao nhiêu và số cổ phần được phê duyệt bán đi là bao nhiêu?
Được biết, tại ĐHĐCĐ của Vinamed, Chủ tọa Đại hội cho rằng, cổ đông Nhà nước chỉ sở hữu 20% vốn điều lệ Công ty, nên việc thoái vốn không cần có sự chấp thuận của cổ đông Nhà nước.
Tuy nhiên, Vinamed là công ty có phần vốn nhà nước nên việc thoái vốn phải tuân thủ theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Số cổ phần Mediplast mà Vinamed sở hữu là tài sản có phần vốn nhà nước. Theo các cổ đông, việc thoái vốn của Vinamed để giảm tỷ lệ sở hữu tại Mediplast không được thực hiện công khai thông qua đấu giá là vi phạm quy định tại Điều 29 và Điều 38 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.
Theo Nghị định 91, việc bán 45,5% cổ phiếu tại Mediplast, tương ứng với 9,1% vốn nhà nước phải có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất. Chưa kể, việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed dự kiến sẽ làm giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed từ 20% xuống còn 14%. Do đó, việc này, theo các cổ đông, cần được cơ quan đại diện chủ sỡ hữu chấp thuận.