Mediplast: Cổ đông thất vọng về ban lãnh đạo

(BĐT) - Một nhóm cổ đông Công ty CP Nhựa Y tế Mediplast (Mediplast) vừa có thư gửi tới Báo Đấu thầu, theo đó, các cổ đông nhỏ bày tỏ sự thất vọng về HĐQT hiện tại.
Nhiều cổ đông nhỏ cho rằng, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong phương án sáp nhập Mediplast vào Vinamed là không thỏa đáng. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều cổ đông nhỏ cho rằng, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong phương án sáp nhập Mediplast vào Vinamed là không thỏa đáng. Ảnh: Tường Lâm

Kết quả kinh doanh đi xuống

Trước đó, Báo Đấu thầu đã phản ánh về hai lần ĐHĐCĐ bất thường gần đây (ngày 5/5 và ngày 26/5) của doanh nghiệp này. Ngoài một số nội dung quyết nghị thường lệ như báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính đã kiểm toán, phương án phân phối lợi nhuận..., Đại hội còn xem xét một nội dung quan trọng khác là sáp nhập Mediplast vào Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam - CTCP (Vinamed).

Khi còn là doanh nghiệp nhà nước, Mediplast là một đơn vị thành viên của Vinamed. Năm 2006, Mediplast tiến hành cổ phần hóa. Đến giữa năm 2016, Vinamed tiến hành IPO, nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật, cổ đông Nhà nước chỉ giữ lại 20% vốn điều lệ.

Sau đó, đến tháng 10/2016, Mediplast công bố, cổ đông lớn Vinamed đã tăng tỷ lệ nắm giữ từ hơn 48% vốn điều lệ lên 69,32%.

Đến tháng 5/2017, cổ đông lớn Vinamed tính chuyện sáp nhập Mediplast vào Vinamed. Chủ trương sáp nhập cũng như phương án sáp nhập đều không nhận được sự đồng tình từ phía cổ đông nhỏ, trong đó có nhiều cán bộ gắn bó lâu năm với Mediplast.

Tại hai đại hội nói trên, nhiều ý kiến cổ đông đã bày tỏ sự thất vọng về HĐQT đương nhiệm. Theo các cổ đông, năm 2016, nhóm nhà đầu tư do các ông Phạm Quang Huy, Đào Mạnh Hùng đã thâu tóm cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Mediplast và Vinamed. Nhưng sau đó, các cổ đông nhận thấy nhóm cổ đông này chưa chứng tỏ những đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển của Công ty.

Lợi nhuận của Mediplast giảm mạnh sau khi nhóm cổ đông này nắm quyền điều hành. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế là 15,7 tỷ đồng trong khi năm 2015 lợi nhuận sau thuế là 19,7 tỷ đồng. Cổ tức năm 2015 là 30%. Cổ tức năm 2016 theo tờ trình là 15%. Trước nhiều ý kiến phản ứng mạnh mẽ về tình trạng lợi nhuận, cổ tức đều sụt giảm mạnh, HĐQT Mediplast mới điều chỉnh, trình mức cổ tức là 30%. 

Cổ đông nhỏ phản đối kịch liệt

Mediplast ngoài vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng, còn có các quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển... tổng cộng hơn 30 tỷ đồng, còn tài sản đất đai... Tất cả cần được định giá công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cổ đông.
Việc HĐQT Mediplast thông báo ĐHĐCĐ bất thường để bàn về việc sáp nhập khiến cổ đông hết sức bất ngờ và bất bình. Đơn thư của các cổ đông cho biết, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ lợi nhuận/vốn điều lệ của Mediplast cao gấp 20 lần Vinamed. Dù chỉ có vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng nhưng Mediplast có nhiều tài sản giá trị, hoạt động kinh doanh hiệu quả. Vài năm gần đây, Công ty đều có mức lợi nhuận sau thuế tương đương vốn điều lệ. Về tài sản, Mediplast có lô đất 2.863 m2 tại mặt phố Lương Định Của (Hà Nội) và lô đất hơn 13.000 m2 tại Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh). Cả hai lô đất đều đã được cấp sổ đỏ.

Trong khi đó, phương án sáp nhập đưa ra tỷ lệ hoán đổi 3:1, 1 cổ phiếu Mediplast đổi 3 cổ phiếu Vinamed. Tỷ lệ quy đổi này, theo các cổ đông, là không thỏa đáng. Tại phiên họp ngày 26/5, nhiều cổ đông nhấn mạnh phải định giá tài sản cả hai doanh nghiệp. Mediplast ngoài vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng, còn có các quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển... tổng cộng hơn 30 tỷ đồng, còn tài sản đất đai... Tất cả cần được định giá công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Tuy nhiên, tại Đại hội, HĐQT không công bố số liệu thẩm định giá trị tài sản của 2 bên công ty sáp nhập và tuyên bố “hết thời gian thảo luận để cắt không cho các cổ đông tiếp tục phát biểu” – đơn thư của cổ đông nêu.

Những thành quả Mediplast đạt được như hiện nay là sự tích tụ, nỗ lực, đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên Công ty. Chính vì vậy, nhiều cổ đông, từng là các lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Công ty đều không đồng tình với việc xóa sổ thương hiệu hàng đầu trong ngành nhựa y tế như Mediplast.

Đáng chú ý, tại Đại hội ngày 26/5, một cổ đông đã viện dẫn Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty cho rằng, HĐQT phải xin ý kiến ĐHĐCĐ về chủ trương sáp nhập và đối tác sáp nhập, trình danh sách ít nhất 3 công ty thẩm định giá độc lập để ĐHĐCĐ thông qua. Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua chủ trương và ủy quyền thì HĐQT mới được tiến hành các bước tiếp theo như lựa chọn tư vấn thẩm định giá (trong danh sách đã được ĐHĐCĐ duyệt), tiến hành xác định giá trị 2 bên doanh nghiệp sáp nhập, xây dựng dự thảo phương án sáp nhập và dự kiến tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu để trình ĐHĐCĐ quyết định.

Ngay tại Đại hội, đã có ý kiến cổ đông nhấn mạnh yêu cầu Công ty cần thực hiện đúng quy định này và cho biết nếu Mediplast không tuân thủ, cổ đông có thể sẽ khởi kiện yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ.

Chuyên đề