“Viên ngọc” mới của khu vực về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với những nền tảng được đầu tư vững chắc cùng tiềm năng thị trường rộng mở, nhiều nhà đầu tư nhận định, Việt Nam đã trở thành viên ngọc mới của khu vực trong thu hút đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Trong thời gian tới, hệ sinh thái khởi nghiệp và các công ty khởi nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên một tầm cao mới.
Năm 2021, 1,4 tỷ USD vốn đầu tư đã được “rót” vào các doanh nghiệp khởi nghiệp
Năm 2021, 1,4 tỷ USD vốn đầu tư đã được “rót” vào các doanh nghiệp khởi nghiệp

Một trong ba nước dẫn đầu khu vực

Tại Hội thảo “Tiềm năng thị trường Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á” do Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures (GGV) tổ chức ngày 30/5, ông Vinnie Lauria, người sáng lập GGV đánh giá, Việt Nam là “viên ngọc” mới của khu vực trong thu hút đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST. Việt Nam đã vươn lên đứng trong bảng xếp hạng cùng với các nước dẫn đầu khu vực như Singapore, Indonesia với 1,4 tỷ USD - một con số kỷ lục - “rót” vào các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp năm 2021, cao hơn 1,6 lần so với con số 874 triệu USD năm 2019.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC kỳ vọng: “Con số này cùng với đà tăng trưởng tích cực của đầu tư nước ngoài cho thấy sự công nhận rõ ràng hơn về tiềm năng của Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Các công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn lên một tầm cao mới. Chúng tôi kỳ vọng các khoản đầu tư này sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới”.

Lãnh đạo NIC cho rằng, kỳ vọng này là có cơ sở, bởi mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng năm 2021, con số đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST đã lập kỷ lục mới. Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2022, hoạt động đăng ký gia nhập thị trường của các DN tiếp tục sôi động với số DN thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 31,9% so với hai năm trước.

Báo cáo ĐMST và đầu tư công nghệ Việt Nam do NIC phối hợp với Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures đồng phát hành ghi nhận, năm 2021, Việt Nam tiếp tục có thêm kỳ lân; nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào các DN ĐMST và khởi nghiệp Việt Nam; các vòng gọi vốn lớn xuất hiện trở lại…

Tiềm năng “tỏa sáng”

Về triển vọng thu hút đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST, đại diện GGV nhận định, vài năm tới mới chính là thời điểm mà thị trường này thực sự thu hút nhờ sự hội tụ của tầng lớp tiêu dùng, lực lượng lao động trẻ và có học thức gia tăng cùng với nhu cầu ngày càng cao về công nghệ kỹ thuật số sau đại dịch.

Ông Vinnie Lauria chỉ ra có nhiều yếu tố để thị trường khởi nghiệp ĐMST Việt Nam “tỏa sáng” như: tiềm năng tăng trưởng ĐMST nhờ Chính phủ luôn chú trọng đầu tư vào giáo dục; sự nhiệt huyết, sôi động trong khởi nghiệp, ĐMST.

Theo GGV, tiêu thụ nội địa dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm. Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành một động lực quan trọng đối với thị trường tiêu dùng của châu Á trong thập kỷ tới, với việc tăng thêm 36 triệu người tiêu dùng. Số người thuộc tầng lớp trung lưu được đánh giá tăng nhanh nhất Đông Nam Á và ước tính chiếm khoảng 40% tổng dân số hiện nay, từ mức 10% vào năm 2000. Đến năm 2030, con số này ước tính có thể đạt tới 75%.

Bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng ban Phát triển hệ sinh thái thuộc NIC cho hay, trong thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực trụ cột, từ hỗ trợ giáo dục đến xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển hệ sinh thái. “Trong thập kỷ tới, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ chưa từng thấy trước đây”, bà Nga bày tỏ.

Để hệ sinh thái ĐMST Việt Nam phát triển mạnh hơn, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là phải kết nối được các nhà đầu tư nước ngoài với các công ty khởi nghiệp trong nước để hoạt động này đi vào chiều sâu. Đồng thời, tăng cường sự chính trực, minh bạch của các nhà đầu tư trong thị trường; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo cơ sở thúc đẩy ĐMST…

Chất xúc tác thúc đẩy đầu tư vào ĐMST Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC và ông Vinnie Lauria, người sáng lập GGV đã ký thoả thuận hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam. Với thỏa thuận này, GGV sẽ tăng cường đầu tư vào thị trường, thúc đẩy trao đổi, phát triển các ý tưởng mới và ĐMST, đồng thời đóng vai trò là chất xúc tác hỗ trợ DN khởi nghiệp của Việt Nam xây dựng vị thế trong khu vực. Hiện GGV đã thành lập văn phòng đại diện tại Singapore, Việt Nam, Indonesia và khẳng định, đây chính là “tam giác vàng khởi nghiệp” của khu vực Đông Nam Á.

Chuyên đề