Đổi mới sáng tạo thúc đẩy phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp năm 2021 đã phục hồi trở lại và vươn lên một tầm cao mới. Với tín hiệu tích cực này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông kỳ vọng, ĐMST là chất xúc tác cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam.
Theo số liệu của Google, Temasek, năm 2021, kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020 và chiếm 7,6% GDP cả nước. Ảnh: Lê Tiên
Theo số liệu của Google, Temasek, năm 2021, kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020 và chiếm 7,6% GDP cả nước. Ảnh: Lê Tiên

Những con số chưa từng có

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo ĐMST và đầu tư công nghệ Việt Nam, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, ĐMST đang là xu thế tất yếu không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của toàn cầu. Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho ĐMST. Điều này thể hiện trên Bảng xếp hạng ĐMST toàn cầu (GII) năm 2021, ĐMST Việt Nam tiếp tục nâng hạng, từ 52/141 quốc gia và nền kinh tế (năm 2015) lên 44/132, dẫn đầu trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập. 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Do Venture chia sẻ, dù gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, nhưng đại dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Bà Vy thông tin, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt đạt mức kỷ lục trong năm 2021. Tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với kỷ lục 874 triệu USD năm 2019.

“Số vốn đầu tư vào startup Việt năm 2021 chiếm 13% tổng giá trị đầu tư vào toàn bộ các công ty ở Đông Nam Á, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2020. Tỷ trọng số lượng đầu tư của Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng 2 điểm phần trăm so với năm trước đó”, đại diện Do Venture cho biết.

Trong năm 2021, Việt Nam đón chào thêm hai kỳ lân công nghệ mới là Momo và Sky Mavis nhờ vào tần suất sử dụng sản phẩm số ngày một tăng của người dùng trong thời gian dịch bệnh. “Thành công của 2 công ty này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực”, bà Vy nói.

Nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, các vòng gọi vốn lớn xuất hiện trở lại. “Ngoại trừ vòng đầu tư dưới 0,5 triệu USD, các vòng còn lại đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng thương vụ và số tiền đầu tư”, Báo cáo ĐMST nêu.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam tin tưởng, năm 2022, Việt Nam tiếp tục là nơi hội tụ các nhà đầu tư mạo hiểm vào ĐMST và công nghệ, theo đó, dòng vốn vào lĩnh vực này sẽ thiết lập con số kỷ lục mới ở mức từ 1,5 - 2 tỷ USD.

Lạc quan mục tiêu đóng góp 30% GDP vào năm 2030

Với những kết quả cũng như chỉ dấu tích cực nêu trên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, Việt Nam đang trên đà hoàn thành mục tiêu nền kinh tế số (KTS) đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Ông Nguyễn Bá Diệp, nhà sáng lập - Phó Chủ tịch HĐQT Momo cho rằng, mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030 là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể cao hơn.

Để đạt mục tiêu này, ông Diệp cho rằng, nên khởi đầu bằng việc số hóa những lĩnh vực thiết yếu cho cuộc sống theo hình thức cuốn chiếu với trọng tâm cụ thể nhằm tập trung nguồn lực. Ngoài ra, Nhà nước cần có quy định mở hơn nhằm tạo thuận lợi cho hệ sinh thái ĐMST lớn mạnh. Đối với vấn đề nhân sự, ông Diệp cho rằng, cần có chính sách liên quan đến ưu đãi thuế hay chính sách đặc biệt khác đối với người lao động liên quan đến công nghệ nhằm thu hút nhân tài trong lĩnh vực ĐMST.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc tại Quỹ tăng tốc khởi nghiệp VIISA phân tích, theo số liệu của Google, Temasek, năm 2021, KTS của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020 và chiếm 7,6% GDP cả nước. Tuy vậy, có một thực tế là doanh nghiệp ĐMST và công nghệ Việt vẫn đang thua trên sân nhà trong lĩnh vực KTS. Các doanh nghiệp Việt còn gặp khó khăn nhất định, thậm chí ít được ưu đãi hơn doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần có cơ chế phù hợp để nuôi dưỡng startup của Việt Nam, giúp họ có nền tảng vươn ra nước ngoài.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho rằng, các đối tượng trong hệ sinh thái ĐMST phải được hỗ trợ toàn diện và phù hợp. Với các đối tác liên quan hỗ trợ ĐMST, theo ông Huy, phải có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy toàn bộ các thành tố trong hệ sinh thái phát triển. Theo đó, Nhà nước cần xác định các đối tượng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy KTS Việt Nam sớm đạt mục tiêu đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Chuyên đề