Đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.307.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Đã và đang tạo điều kiện
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ngày 16/4, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đã quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN.
Đó là, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, nâng cao khả năng thẩm định, giải quyết nhu cầu vay vốn của DN nhanh, gọn, song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Đồng thời, cắt giảm các khoản phí, chi phí không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Qua đó, tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản nhằm giải quyết khó khăn về tài sản bảo đảm, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phát triển của DN, đặc biệt là DNNVV.
Dù vậy, số liệu từ NHNN cho thấy, tỷ trọng vốn tín dụng cho DNNVV vẫn chưa cao. Theo đó, đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho khu vực DN này đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cho DNNVV năm 2017 đạt khoảng hơn 21% tổng dư nợ tín dụng.
Khó nhiều bề
Về trở ngại với việc cấp vốn cho DNNVV, ông Tần cho biết, nhiều DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do năng lực tài chính còn hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Bên cạnh đó, công tác hạch toán kế toán của nhiều DNNVV thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi lại thiếu tài sản bảo đảm, làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng.
Mặt khác, phần lớn DNNVV có trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể; sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của DN.
Bình luận về những trở ngại này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho rằng: “DN cần vay vốn, ngân hàng cũng cần giải ngân nhưng trong nhiều trường hợp cung và cầu của hai bên chưa gặp nhau bởi nhiều lý do. DN luôn muốn được vay với lãi suất thấp và vay tín chấp nhưng dự án sản xuất kinh doanh chưa thực sự tốt. Ngân hàng cũng là DN kinh doanh, do đó, họ vẫn cần bảo đảm các chỉ tiêu về sinh lời và an toàn nguồn vốn nên không dám cho vay ở những dự án chưa đủ điều kiện. Trong nhiều trường hợp, việc chứng minh khả năng sinh lời của DN là không dễ dàng”.
Để các giải pháp, chương trình tín dụng tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, NHNN đề nghị sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.
Đáng chú ý, cơ quan này kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng. Đồng thời, quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi hành án và quá trình xử lý tài sản bảo đảm đối với các tài sản đã có quyết định thi hành án, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh, để thuận tiện cho người vay và người cho vay, nên có đánh giá xếp hạng DN và xếp hạng cả ngân hàng. Đây là một trong các chỉ tiêu để ngân hàng rút gọn thủ tục cho vay. DN có thể dựa vào xếp hạng ngân hàng để tìm ngân hàng cho vay có uy tín, thủ tục hợp lý, giải ngân đúng tiến độ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: “NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV”.