Triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội: Đã công bố 24 dự án đủ điều kiện vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng cho biết, qua nắm bắt nhanh tình hình triển khai, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Với các dự án đã được công bố đủ điều kiện vay, nếu được phê duyệt vay sẽ giải ngân được hơn 10% gói tín dụng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

11 địa phương đã công bố dự án đủ điều kiện vay

Theo số liệu vừa được Bộ Xây dựng công bố ngày 2/8/2013, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng. Hiện nay đã có 15/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét công bố danh mục gồm 40 dự án với tổng mức đầu tư là 43.707,28 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010,48 tỷ đồng.

Trong đó, đã có 11 UBND tỉnh công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án nếu được phê duyệt vay với nhu cầu nêu trên sẽ giải quyết 12.442,78/120.000 tỷ đồng (đạt phần 10,37% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ đồng).

11 địa phương đã công bố dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 12.000 tỷ đồng

Địa phương

Số dự án

Tổng mức đầu tư

(đơn vị: tỷ đồng)

Nhu cầu vay vốn

(đơn vị: tỷ đồng)

Trà Vinh

2

1.492

420

Tây Ninh

1

1.776,6

500

Hà Tĩnh

1

357

35,25

Bình Dương

4

2.326

1.181

Bà Rịa – Vũng Tàu

1

200,5

150

Đà Nẵng

3

2.046

545.6

An Giang

2

3.351

2.551

Bắc Giang

1

2.299

1.838,6

Kiên Giang

2

2.991

1.699

Bắc Ninh

6

14.533

3.381,33

Hậu Giang

1

301

141

Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng được thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Gói tín dụng huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, hướng đến đối tượng, mục đích là cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay với lãi suất ưu đãi, giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại. Thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.

Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), việc triển khai gói tín dụng này cần có thời gian để chủ đầu tư cũng như các địa phương hoàn thành các thủ tục theo quy định mới được vay. Vì thế, thời gian đầu có thể chậm lại một chút nhưng thời gian tới, khi các địa phương đồng loạt thẩm định xong, việc giải ngân sẽ nhanh hơn.

Ngoài tín dụng, cần ưu tiên gỡ vướng thủ tục hành chính

Theo Bộ Xây dựng, các địa phương đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc khác từ việc bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội…

Theo Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công xây dựng với tổng số khoảng 18.768 căn, gồm 6 dự án nhà ở xã hội quy mô 7.730 căn tại Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng và 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Chính phủ đã rất đúng, rất trúng khi tập trung ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu đông đảo dân chúng. Nếu phát triển được thì hấp thụ nhanh, kích thích đầu tư, sản xuất phát triển kéo theo hoạt động khác. Tuy nhiên, vướng mắc lớn hiện nay là thủ tục liên quan nhà ở xã hội còn khó khăn hơn nhà ở thương mại, chưa kích thích được nhà đầu tư tham gia. “Nếu muốn phát triển nhà ở xã hội, phải có cơ chế đặc biệt, đừng coi những ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội như một loại xin - cho, cho cơ chế này cơ chế kia, nên phải kiểm duyệt chặt. Tư duy này phải thay đổi mới thúc đẩy được”, ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Bên cạnh đó, dù nhu cầu cao, nhưng khả năng người thu nhập thấp có thể mua nhà cũng còn hạn chế, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ hiệu quả, thiết thực hơn về cho vay đối với người mua nhà ở xã hội.

Các nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) tháo gỡ được những vướng mắc lớn đối với phát triển nhà ở xã hội, cùng với tín dụng được tập trung ưu tiên giải ngân, sẽ tạo ra cú hích mới cho phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân.

Chuyên đề