Việc áp dụng ESG giúp doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Trần Minh Lương |
Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh
Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 với chủ đề: “Đón đầu cơ hội chuyển đổi xanh” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam ,khởi động.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, đây là năm thứ hai sáng kiến này được phát động với mong muốn giúp cộng đồng DN Việt Nam đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đại diện Cục Phát triển DN, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song trong 4 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tình hình đăng ký DN 4 tháng đầu năm 2024 có cải thiện so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 81.260 DN, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động xuất khẩu (XK) phục hồi, trong đó DN tiếp tục XK vào những thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nhờ bước đầu tích hợp ESG vào hoạt động sản xuất - kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh.
Bà Hương cho hay, ESG là tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của DN đến cộng đồng. DN có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các thị trường XK lớn của Việt Nam đưa ra những chính sách mạnh mẽ với hàng hóa nhập khẩu và ESG được ví như giấy thông hành của các DN để đẩy mạnh XK vào các thị trường này.
“Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG, không chỉ giúp DN Việt Nam đơn thuần tuân thủ quy định pháp lý về môi trường, xã hội và quản trị mà còn đáp ứng các tiêu chí về thị trường, đối tác và nhà đầu tư”, lãnh đạo Cục Phát triển DN nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc áp dụng ESG còn giúp DN thu hút được nguồn vốn đầu tư xanh; nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu trên thương trường; là cơ hội tốt để DN biến trách nhiệm tuân thủ trở thành lợi thế cạnh tranh và tạo ra những giá trị mới.
Đề cập về vấn đề này, trong Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương với tiêu đề “Nền tảng vững chắc cho tăng trưởng”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, sản xuất theo hướng xanh là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và là xu thế của thế giới. Đặc biệt, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho biết, DN nhỏ nhưng “xanh” đang có năng suất cao so với DN lớn.
Những chuyển biến ngày càng rõ nét
Theo bà Hương, tích hợp ESG trong hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, từ chính sách cho đến thực hành của DN đang có những chuyển biến rõ nét.
Về chính sách, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (trước đó là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050) đã vạch ra con đường tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, Chính phủ cũng phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính…
Về phía DN, bà Hương cho biết, nhận thức của DN về ESG có sự chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là từ năm 2023 đến nay. Các DN hiểu được tầm quan trọng của kinh doanh bền vững, của ESG đối với sự “sống còn” của DN. Bên cạnh đó, DN đã chủ động tìm hiểu và tham gia vào các hoạt động sản xuất theo hướng xanh như thực hiện kiểm kê khí nhà kính, áp dụng ESG…
Trong khuôn khổ Cuộc thi sáng kiến ESG Việt Nam lần 2 do Bộ KH&ĐT và USAID/IPSC đồng chủ trì, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ: “Thâm tâm anh chị em đều vui, đều gia tăng động lực khi được lắng nghe, chia sẻ các câu chuyện, được thảo luận với những chủ DN đang trăn trở và ít nhiều đã có hành động hướng tới kinh doanh tích hợp ESG và phát triển bền vững”. Bà Thủy cho biết, có chủ DN vì trải nghiệm cá nhân, đau đáu với những câu chuyện môi trường xung quanh nên quyết tâm tạo lập mô hình kinh doanh với các sản phẩm bản địa, thân thiện môi trường và đã bước đầu chinh phục được thị trường quốc tế; có nhiều chủ DN vì tín hiệu thị trường, sức ép thị trường nên quyết tâm thay đổi bởi “nếu không thì chết”.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP HHP Global cho biết, với mong muốn trở thành đơn vị tiên phong làm thay đổi góc nhìn về môi trường đối với ngành sản xuất giấy, Công ty đã tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng xanh. Theo đó, Công ty quyết định đầu tư nhà máy sản xuất giấy theo tiêu chuẩn xanh; đồng thời, thành lập Tiểu ban Phát triển bền vững (Tiểu ban ESG) trực thuộc HĐQT, cam kết bắt tay thực hành ESG, khởi đầu cho hành trình phát triển bền vững...
Theo đại diện Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, ngay từ đầu, Tập đoàn đã áp dụng công nghệ sản xuất tuần hoàn khép kín, hiện đại của các nước G7 vào sản xuất tại tất cả các khu liên hợp sản xuất gang thép. Hòa Phát đã tính toán và dành tới 30% vốn đầu tư cho các hạng mục môi trường…
Để hỗ trợ DN tích hợp ESG vào sản xuất - kinh doanh, Cục Phát triển DN cho biết, trong năm nay, Cục tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy hoạt động này, giúp DN nâng cao lợi thế cạnh tranh như: xây dựng khoảng 40 module đào tạo ESG trên nền tảng trực tuyến, giúp các DN tiếp cận kiến thức; tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật về ESG cho DN…