Thúc đẩy phát triển bền vững sàn giao dịch các-bon Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam là một thị trường có tiềm năng phát triển trên thế giới. Để huy động vốn đầu tư FDI thì các doanh nghiệp Việt Nam và chuỗi cung ứng phải chuyển dịch theo hướng xanh, bền vững. Việc thành lập thị trường tín chỉ các bon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng Doanh nghiệp, Thương mại và Định chế tài chính, Standard Chartered Việt Nam tại cuộc họp tham vấn về xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tự nguyện tại Việt Nam.

"Standard Chartered cam kết cung cấp các sản phẩm dịch vụ phát triển bền vững, đồng thời, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp khi họ có đầu tư mới hoặc hoạch định kế hoạch kinh doanh hướng tới việc giảm khí thải nhà kính nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0", bà Nguyễn Thúy Hạnh cho biết.

Tại cuộc họp, các đơn vị tham gia đã cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ những vấn đề đặt ra xung quanh việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon tự nguyện và lộ trình phát triển của thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam. Theo lộ trình, các quy định và nền tảng giao dịch sẽ được áp dụng từ năm 2025. Thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon tự nguyện được đề xuất nhằm bổ trợ cho sàn giao dịch bắt buộc. Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (ETS) sẽ chính thức được triển khai từ năm 2028 và các điều khoản sẽ cho phép việc tham gia, theo như Điều 6 của thỏa thuận Paris.

Năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Theo đó, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, với mục tiêu trung hạn là giảm 43,5% vào năm 2030. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP cũng bao gồm các điều khoản để xây dựng ETS quốc gia, với các tiêu chí cho các ngành và cơ sở để tiến hành kiểm kê khí nhà kính và sau đó được phân bổ định mức. Cụ thể, hiện cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Ngân hàng Standard Chartered đã và đang là đối tác vững mạnh về ESG và tài trợ bền vững cho các khách hàng, tập trung chú trọng hỗ trợ các khách hàng trong quá trình chuyển đổi và giảm khí thải các-bon.

Chuyên đề