Doanh nghiệp nên chuyển hướng sang đầu tư, phát triển các dự án nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Qua 3 tháng đầu năm 2019, Hiệp hội và các doanh nghiệp (DN) BĐS rất lo ngại trước tình trạng nhiều dự án BĐS bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, theo quan hệ cung - cầu sẽ dẫn tới việc tăng giá BĐS, làm giảm cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở đô thị, tác động đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở. DN thực hiện dự án cũng vì thế bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản… Nếu những ách tắc này sớm được tháo gỡ, thị trường sẽ tốt lên.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, giảm lượng hàng tồn và tái cấu trúc thị trường BĐS theo hướng bền vững, các DN nên chuyển hướng mạnh sang đầu tư, phát triển các dự án xanh, các dự án nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội, tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch của Thành phố. Đồng thời, các DN cũng cần hết sức quan tâm xử lý hàng tồn đi đôi với xử lý các khoản nợ xấu. Trong đó có giải pháp cơ cấu lại sản phẩm, giảm giá bán, thậm chí phải chấp nhận cả giải pháp bán lỗ để cắt lỗ.
Ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam
Theo dự báo của Savills, trong năm 2019, nhu cầu nhà ở tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là phân khúc bình dân từ nhu cầu ở thực sự do sự gia tăng dân số cao, sự suy giảm quy mô hộ gia đình và sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Thị trường nhà ở giá rẻ chiếm hơn 60% doanh số, thể hiện nhu cầu thực sự từ những chủ sở hữu - nhân tố chính của thị trường. Chúng tôi cũng chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ đối với tài sản nhà đất mà Savills tin rằng sẽ tiếp tục là một thị trường trọng điểm, với các sản phẩm giá cả hợp lý hơn để nhắm vào các gia đình trẻ, trí thức trung lưu.
Ngoài ra, phân khúc cao cấp cho thấy triển vọng rất tích cực với nhu cầu nâng cấp nhà ở ngày càng tăng từ các hộ gia đình khá giả và nhu cầu bị dồn nén do thiếu hụt nguồn cung. Nhu cầu đầu tư từ người nước ngoài cũng gia tăng mạnh mẽ, nhất là đối với các dự án cao cấp ra mắt gần đây. Nhiều dự án hoàn thành hạn ngạch 30% dành cho người nước ngoài ngay trong sự kiện ra mắt.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam
Theo quan sát diễn biến thị trường trong thời gian qua, DKRA Vietnam nhận thấy những biến động không ngừng về tỷ lệ nguồn cung và lượng tiêu thụ trong tất cả các phân khúc. Trong quý I/2019, phân khúc nhà phố/biệt thự và condotel có sự tăng nhẹ cả cung và cầu so với quý trước. Các phân khúc còn lại, bao gồm đất nền, căn hộ, biệt thự biển đều sụt giảm nguồn cung và lượng tiêu thụ.
Theo dự báo của DKRA Vietnam, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu mặc dù thị trường thời gian gần đây có xu hướng giảm. Do đó, phân khúc đất nền quý II/2019 có thể sẽ tăng mạnh so với quý I/2019, đặc biệt là đất nền phân lô tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai.
Về nguồn cung căn hộ trên thị trường TP.HCM, mức dao động được dự báo trong quý II/2019 có thể lên đến 5.000 - 7.000 căn. Nguồn cung và sức cầu của thị trường có thể tăng hơn so với quý I, trong đó, khu Đông và khu Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Phân khúc căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, nguồn cung căn hộ hạng C khan hiếm khi chưa có nhiều dự án mới sẵn sàng ra thị trường.
Khách nước ngoài đến từ Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc… tiếp tục tìm đến thị trường BĐS Việt Nam. Đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển các dự án cao cấp, hạng sang và BĐS nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Điềm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị mới Thủ Thiêm
Quý I/2019, thị trường khan nguồn cung khiến cho giá BĐS đã xác lập một mặt bằng mới: tăng giá nhanh trong một thời gian nhất định. Dù đang trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung tại khu vực nội thành, nhưng từ đây cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho các DN BĐS lớn, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, bởi họ đã tích tụ được quỹ đất, quỹ dự án ở nhiều khu vực, do đó chủ động được việc tái cấu trúc phân vùng đầu tư.
Đối với các DN nhỏ và vừa, thời điểm này là tương đối khó khăn do thiếu một giải pháp tổng thể, thiếu vốn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, họ đã biết hợp sức lại với nhau, cùng góp vốn đầu tư để phát triển dự án. Bên cạnh đó, một số DN nhỏ và vừa đã tái cấu trúc DN mạnh mẽ, chuyển hoá thành mô hình DN đại chúng, niêm yết, tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Các DN này cũng đã chuyển hướng, phân lại vùng đầu tư kinh doanh, phát triển dự án tại các vùng ven, các tỉnh...
Đối với khách hàng là nhà đầu tư, người có nhu cầu mua nhà để ở, trong suốt 10 năm biến động của thị trường, giờ đây họ đã là những nhà đầu tư thông minh và chuyên nghiệp. Những cá nhân, tổ chức tham gia vào lĩnh vực này trong một thời gian ổn định đã tích luỹ được nền tảng “lỗ ít lời nhiều”. Nhu cầu về đầu tư và an cư của người dân còn rất lớn. Thị trường BĐS còn dư địa phát triển lớn và cực kỳ hấp dẫn. Do đó, trong ngắn hạn - từ nay đến cuối năm 2019, thị trường BĐS vẫn đầy tiềm năng. Việc chuyển hoá linh động của các DN, các cá nhân tham gia vào thị trường này trong thời gian qua cho thấy sẽ còn nhiều cơ hội tốt.