Thế trận lòng dân và sức mạnh đại đoàn kết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và dân tộc ta. Trong thời chiến, lòng dân và sức mạnh đại đoàn kết đã cuốn phăng đi lũ cướp nước và lũ bán nước, đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong thời bình, nước ta giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Tuấn Phùng
Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Tuấn Phùng

Một thế trận lòng dân và sự đồng thuận của Nhân dân ngày càng được củng cố, đang và sẽ tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Dân ta xin nhớ chữ “đồng”…

Từ giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”; “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Bác Hồ kêu gọi: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng mới 15 tuổi, chỉ với một chữ “đồng”, chúng ta vượt qua những năm tháng cách mạng thoái trào, để làm nên thắng lợi mùa Thu năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của trí dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của lòng dân - ý Đảng, ý Đảng - lòng dân.

Còn nhớ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối phó với giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Sau khi xóa bỏ giai cấp bóc lột, bắt tay vào giữ gìn, kiến thiết, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Chính phủ do Bác Hồ đứng đầu chỉ đạo phải làm việc theo tinh thần quyết tâm, tín tâm, đồng tâm, củng cố sự đoàn kết toàn dân tộc, sửa chữa khuyết điểm. Có những ý kiến lo ngại từ Chính phủ liên hiệp lâm thời thành lập Chính phủ liên hiệp chính thức (tức Chính phủ kháng chiến) tạo thêm khó khăn vì một số người ở các đảng phái không muốn tham gia với Việt Minh. Giải tỏa ý kiến đó, Bác Hồ nói đại ý: chúng ta lấy lòng “chí công vô tư” mà làm việc, đặt lợi ích của Tổ quốc và quốc dân lên trên hết, trước hết thì các đảng phái sẽ đoàn kết. Mà có được đoàn kết thì chắc chắn thành công. Thực tế chứng minh lời Bác là chân lý. Chính phủ kháng chiến được thành lập gồm những Bộ trưởng có tuổi tác, có danh vọng, có đạo đức, có cả những người trong đảng phái phản động “Việt quốc”, “Việt cách” và không đảng phái.

Hơn nửa năm sau thành lập Chính phủ kháng chiến, một Chính phủ mới ra đời. Với tư cách người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội rằng, đó là Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không phân đảng phái; một Chính phủ liêm khiết, tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp, chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, biết làm việc, gan góc, quyết tâm để tranh quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ, cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Hơn một tháng sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chứa đựng trong đó những lời thống thiết: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Lời hịch vang dậy núi sông thôi thúc cả dân tộc đoàn kết đứng lên đạp bằng mọi gian lao, hy sinh, thử thách. Chúng ta đã đánh cho “voi” thực dân Pháp “lòi ruột ra”, đại thắng ở Điện Biên Phủ vào mùa hè năm 1954, ghi dấu son “vành hoa đỏ, thiên sử vàng”. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cội nguồn sâu xa của phát triển

Bác Hồ và Đảng ta vận dụng tài tình, sáng tạo bài học đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam tỏ rõ một chân lý: Trong thế giới ngày nay không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Đúng như Bác Hồ đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”.

Khi cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, đã nỗ lực càng phải nỗ lực hơn nữa.

Trong gần 40 năm đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã phát huy vai trò tập hợp, xây dựng, củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid -19, khắc phục thiên tai bão lũ, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đất nước đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Kinh tế, xã hội và con người đều đổi mới.

Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, có lúc, có nơi chưa huy động hết được sức mạnh, trí tuệ của nhân dân. Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế hóa hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân chậm đổi mới; trên thực tế có nơi, có lúc chưa sâu sát. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự trọng dân, tin dân, gắn bó với dân, lắng nghe ý kiến để kịp thời giải quyết có hiệu quả yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những hạn chế, khuyết điểm đó làm hạn chế thành quả của công cuộc Đổi mới.

Xuyên suốt sự nghiệp Đổi mới, kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đòi hỏi khách quan; là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được xác định vừa là nhiệm vụ vừa là một trong những mục tiêu tổng quát của công cuộc Đổi mới trong những năm tới.

Nhận thức sâu sắc sức mạnh Nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi và phát triển; thành tựu của công cuộc đổi mới tỷ lệ thuận với sự đồng thuận, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; càng đoàn kết, đại đoàn kết càng thành công, đại thành công, Đảng ta tập trung phát huy sức dân, trí dân, lòng dân, quyền dân, tăng cường mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân, huy động tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực con người và văn hóa là quan trọng nhất. Để tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta nêu quan điểm tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan điểm đúng đắn cùng với quyết tâm chính trị cao của Đảng và cả hệ thống chính trị là trụ cột vững chắc tập hợp các tầng lớp Nhân dân, phát huy, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, sải bước cùng thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu như điều mong ước của Bác Hồ.

Chuyên đề