Thế khó của dự án điện gió, điện mặt trời lỡ hẹn giá FIT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời lỡ hẹn giá FIT. Đặc biệt, về dài hạn, EVN cũng như một số chuyên gia lĩnh vực năng lượng cho rằng, cần áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển dự án.
EVN đề xuất trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường giao ngay. Ảnh: Tiên Giang
EVN đề xuất trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường giao ngay. Ảnh: Tiên Giang

Tháng 7/2022, Bộ Công Thương đề xuất giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và các dự án sẽ triển khai trong tương lai.

Tuy nhiên, theo EVN, đề xuất trên là không khả thi trong điều kiện Việt Nam. Nguyên nhân là do thời gian đàm phán kéo dài và các dự án chuyển tiếp đã đầu tư ở nhiều giai đoạn khác nhau, với khung giá điện không hồi tố lại được các năm trước khi đàm phán với số lượng lớn. Việc xác định sản lượng bình quân năm của các nhà máy điện gió, điện mặt trời để có giá điện phức tạp hơn các dự án năng lượng truyền thống và chưa rõ cơ quan nào sẽ xác nhận, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu này.

Hơn nữa, việc đàm phán theo tổng mức đầu tư do chủ đầu tư khai báo, sản lượng điện bình quân sẽ phát sinh các vấn đề khó giải trình, nằm ngoài kiểm soát của EVN. “Không kiểm soát được thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện sẽ dẫn tới không kiểm soát được tiến độ vận hành thương mại điện gió, điện mặt trời theo nhu cầu tại từng thời điểm trong tương lai. Việc này cũng ảnh hưởng tới an ninh cấp điện của hệ thống”, EVN nêu rõ.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước đều áp dụng giá FIT trong một giai đoạn nhất định, sau đó chuyển sang cơ chế đấu thầu.

Do đó, EVN đề xuất trước mắt cho phép các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp tham gia thị trường điện, được thanh toán theo giá thị trường giao ngay và không vượt khung giá phát điện của loại hình nguồn điện tương ứng do Bộ Công Thương phê duyệt. Việc chào giá và công bố công suất từng chu kỳ giao dịch tuân thủ quy định vận hành thị trường điện.

Về dài hạn, EVN đề nghị áp dụng cơ chế đấu thầu phát triển các dự án theo hai bước. Trong đó, bước 1 lựa chọn chủ đầu tư theo Luật Đầu tư với quyết định chủ trương đầu tư có thời hạn. Sau thời gian quy định, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác. Bước 2, các chủ đầu tư được lựa chọn tham gia thị trường điện hoặc tham gia đấu thầu để ký hợp đồng mua bán điện và phát triển dự án, đơn vị tổ chức đấu thầu là Bộ Công Thương.

Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương là cơ quan được giao xây dựng cơ chế mới (đấu thầu) đối với các dự án điện mặt trời và điện gió đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Việc giao EVN đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư như Bộ đề xuất là rất khó, vì thiếu căn cứ và liệu nhà đầu tư có chấp nhận đàm phán hay không… “Với đề xuất của EVN, nhà đầu tư khi vào thị trường điện là có thể triển khai được ngay, đúng nguyên tắc thị trường và có sẵn căn cứ pháp lý có thể áp dụng”, ông Sơn cho biết.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận cũng cho rằng, phương án đàm phán như Bộ Công Thương đề xuất là khó khả thi vì vừa phải kiểm tra số liệu quyết toán từng dự án, vừa đưa ra định mức để đàm phán, trình phê duyệt…

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, đề xuất của EVN sẽ khó làm cho chủ đầu tư hài lòng vì không thể có giá cao như kỳ vọng. Trước mắt, nhà đầu tư có thể chấp nhận tham gia thị trường điện như EVN đề xuất hoặc chờ đợi một cơ chế thay thế giá FIT với mức giá cao hơn...

Về dài hạn, ông Sơn và ông Thịnh đều khuyến nghị phải áp dụng đấu thầu để phát triển dự án điện mặt trời, điện gió. Tới đây thị trường này sẽ mở hơn để thu hút khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn và đấu thầu là cơ chế bảo đảm công bằng, minh bạch, quyền lợi của tất cả các bên.

Chuyên đề