Các dự án năng lượng tái tạo gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Ảnh: Văn Cường |
Nhà đầu tư “ngủ đông” chờ cơ chế
Mặc dù thời tiết tháng 7 rất oi bức, nhưng theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, các nhà đầu tư lĩnh vực NLTT đang “ngủ đông” để chờ cơ chế mới thay thế cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) đã hết hiệu lực gần 2 năm với điện mặt trời và gần 1 năm với điện gió.
Theo ông Thịnh, khoảng trống về chính sách khiến nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư không kịp đưa dự án về đích trước thời điểm giá FIT kết thúc, rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.
Chia sẻ về tình thế của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư thuộc Công ty CP Tập đoàn T&T cho biết, năm 2021, do đại dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều địa phương, các dự án điện gió của Tập đoàn đang triển khai thi công đã vấp phải những khó khăn như: hạn chế trong vận chuyển, chậm trễ, thậm chí gián đoạn trong cung ứng tuabin từ nước ngoài về dự án, khó huy động nhân lực trong và ngoài nước… Mặc dù rất cố gắng nhưng một số dự án mới chỉ vận hành thương mại được một phần, phần còn lại đang được đặt trong tình trạng chờ xem xét hướng dẫn thực hiện theo cơ chế đề xuất mới. Điều này dẫn đến các dự án của Tập đoàn nói riêng và các dự án khác nói chung phải đối mặt với những thách thức rất lớn về tài chính khi đã hoàn thành thi công xây dựng nhưng chưa được ghi nhận sản lượng và doanh thu, thiếu nguồn thu trả nợ tới hạn cho các tổ chức tài chính.
Về vấn đề này, một nhà đầu tư khác lo lắng, cơ chế giá FIT kết thúc nhưng cơ chế “gối đầu” chưa được ban hành khiến nhà đầu tư phải “nằm im” để chờ chính sách, chưa hiểu cơ chế đấu thầu mua điện dự kiến ra sao để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh.
Theo báo cáo tháng 11/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có 175 dự án điện mặt trời với hơn 8.673 MW và 88 dự án điện gió với công suất khoảng 3.980 MW đi vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021, còn 62 dự án điện gió không kịp vận hành trước ngày 1/11/2021 với tổng công suất khoảng 3.479 MW. Các dự án này đang chờ cơ chế mới của Chính phủ.
Mới đây, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió: Nhơn Hội, Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật liên tiếp có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan “kêu cứu” vì dù đã hòa lưới điện quốc gia nhưng do dịch Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng thời tiết nên không kịp chạy thử nghiệm. Các nhà đầu tư như ngồi trên lửa trước nguy cơ phá sản cận kề, mòn mỏi chờ cơ chế.
“Điểm nghẽn” giải tỏa công suất
Bên cạnh khoảng trống chính sách đối với phát triển dự án điện tái tạo, nhiều nhà đầu tư chỉ rõ một khó khăn, thách thức khác lớn không kém, đó là thách thức về giải tỏa công suất các dự án NLTT. Khi hoàn thành đầu tư dự án, kể cả đã đấu nối nhưng cơ sở hạ tầng của hệ thống điện truyền tải không đáp ứng được công suất của các nhà máy, sẽ xuất hiện tình trạng nhiều nhà máy liên tục bị cắt giảm công suất trong ngày. Các nhà đầu tư nhìn nhận, đây là rủi ro lớn nhất khi không đảm bảo được sản lượng theo tính toán.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn T&T thừa nhận đang có thách thức không nhỏ đối với dự án NLTT liên quan đến lưới truyền tải. Ông Hà chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển, tỷ trọng nguồn điện từ NLTT ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp. Trong khi đó, lưới điện truyền tải chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ NLTT cả hiện tại cũng như trong tương lai. Do đó, việc cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ “điểm nghẽn” này.
“Việc sớm có hành lang pháp lý sẽ giúp xóa bỏ “điểm nghẽn” giải tỏa công suất các dự án NLTT, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển năng lượng bền vững”, ông Hà nói.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, hiện ở Việt Nam còn thiếu doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thiết bị NLTT cũng như các dịch vụ liên quan. Phần lớn công nghệ, thiết bị phải nhập khẩu nên giá cả và khả năng cung cấp thiết bị phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường thế giới cũng như biến động chính trị và các yếu tố khó lường khác.
Về tài chính, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án NLTT cũng gặp khó khăn. Các dự án đầu tư vào năng lượng sạch thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, khoảng 5 - 10 năm, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, vốn mà ngân hàng cho vay đối với các dự án này lại là nguồn vốn thông thường và phải tuân thủ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Từ thực tế đó, các chuyên gia năng lượng, kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, để thúc đẩy phát triển NLTT, Việt Nam cần sớm tháo gỡ các “điểm nghẽn” trên nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, từ đó gia tăng niềm tin với nhà đầu tư.