Thấy gì từ việc xuất siêu 1,25 tỷ USD?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa cuối tháng 8/2021, Việt Nam xuất siêu trở lại khi cán cân thương mại hàng hóa thặng dư gần 1,25 tỷ USD. Nhìn nhận về con số này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là tín hiệu tích cực, song cần tiếp tục theo dõi.
Nửa cuối tháng 8/2021, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện… Ảnh: Nhã Chi
Nửa cuối tháng 8/2021, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện… Ảnh: Nhã Chi

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2021 (từ ngày 16/8 đến ngày 31/8/2021) đạt 30,49 tỷ USD, tăng 26,5% (tương ứng tăng 6,39 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2021. Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,25 tỷ USD, trong khi 15 ngày đầu tháng thâm hụt 1,36 tỷ USD. Tính chung trong 8 tháng/2021, cán cân thương mại thâm hụt 2,63 tỷ USD.

Nhìn nhận về việc xuất siêu trở lại, PGS. TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương thuộc Bộ Công Thương cho rằng, bước đầu, con số này cho thấy một tín hiệu tốt trong cán cân thương mại hàng hóa hiện nay. Trong nửa cuối tháng 8, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu (XK) chủ yếu là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác... “Đây là biểu hiện cho thấy, cơ cấu mặt hàng XK của ta đã thay đổi, chuyển sang những mặt hàng có giá trị gia tăng cao thay vì XK nguyên nhiên liệu thô, giá trị thấp như trước đó”, ông Thắng đánh giá.

Nhìn về dài hạn, ông Thắng cho rằng, khả năng cán cân thương mại của Việt Nam sẽ nghiêng về nhập siêu. Lý do là, khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều công nghệ tiến tiên từ khu vực này để phục vụ sản xuất kinh doanh...

Điểm đáng mừng khác trong hoạt động XK cũng được ông Thắng chỉ ra là, hiện nhiều mặt hàng nông sản XK của Việt Nam đều tăng cả về giá và lượng khi ngày càng tiến sâu vào các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Nhật, châu Âu, Mỹ… Điều này chứng tỏ nhu cầu của thế giới đối với hàng nông sản của Việt Nam rất lớn và hàng hóa của Việt Nam đang khẳng định được chất lượng tốt.

Bày tỏ góc nhìn về kết quả xuất siêu trở lại trong nửa cuối tháng 8, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để có đánh giá chính xác hơn việc xuất siêu trở lại trong bối cảnh hiện nay cần phải có thêm thời gian cũng như phân tích rất kỹ các dữ liệu.

Số liệu về XK của Bộ Công Thương công bố thời gian qua cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dưới diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, mức tăng XK trong tháng 7 và tháng 8/2021 có sự giảm sút so với mốc 6 tháng. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK hàng hóa tăng 25,5% so cùng kỳ năm trước và trong 8 tháng chỉ tăng 21,2%.

Tuy nhiên, về tình hình XK của Việt Nam thời gian tới, các chuyên gia nhận định, hoạt động XK có những tín hiệu tốt khi Việt Nam đang tích cực khống chế dịch Covid-19, cùng với đó, mức độ bao phủ tiêm vaccine cũng “thần tốc” hơn, nhất là ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế.

Nhìn về dài hạn, ông Thắng cho rằng, khả năng cán cân thương mại của Việt Nam sẽ nghiêng về nhập siêu. Lý do là, khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) có hiệu lực, Việt Nam sẽ nhập khẩu nhiều công nghệ tiến tiên từ khu vực này để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhập khẩu công nghệ có giá trị rất lớn, một công nghệ có giá trị bằng nhiều tấn nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, tăng nhập khẩu công nghệ tiên tiến lại là điểm tốt khi tạo tiền đề để Việt Nam xuất siêu bền vững trong tương lai.

Chuyên đề