Tháo gỡ khó khăn logistics, thúc đẩy động lực xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng đầu tiên của năm 2024, hoạt động xuất khẩu (XK) có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, khó khăn phía trước còn nhiều, mục tiêu tăng trưởng XK khoảng 6% năm 2024, theo nhiều chuyên gia là rất thách thức, cần có những giải pháp chủ động để đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%. Ảnh: Ngọc Thạch
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%. Ảnh: Ngọc Thạch

Những tín hiệu sáng

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nước ta tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, tháng đầu tiên của năm 2024, đơn hàng xuất khẩu của các thành viên Hiệp hội tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. “Tháng 1/2024, kim ngạch XK rau quả đạt khoảng 460 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số ước tính, thực tế có thể đạt khoảng 500 triệu USD vì càng vào những ngày cuối tháng 1/2024, các DN càng phải chạy đua XK, nhất là sang thị trường Trung Quốc để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2024”, ông Nguyên cho biết.

Với xu hướng tích cực này, ông Nguyên nhận định, chắc chắn kim ngạch XK rau quả của Việt Nam năm 2024 sẽ lập kỷ lục mới. Khi căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Hoa Kỳ và EU, nhiều khả năng XK mặt hàng này sang Trung Quốc sẽ tăng hơn nữa.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá sàn cà phê trên thị trường quốc tế thời gian gần đây đã bật tăng mạnh, nhất là giá cà phê arabica do căng thẳng địa chính trị ở Biển Đỏ đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển...

XK mặt hàng gạo cũng tiếp đà tích cực với kim ngạch tháng 1/2024 đạt 347 triệu USD, tăng 86,1% so với cùng kỳ 2023. Ngày 1/2/2024, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, 5 doanh nghiệp Việt Nam vừa trúng 8/17 gói thầu cung cấp gạo 5% tấm cho Indonesia gồm: Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty TNHH Lương thực Phát Tài.

Bên cạnh tín hiệu tốt từ nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, hoạt động XK các ngành, lĩnh vực chủ yếu khác cũng khởi sắc. Tháng 1/2024, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12, ghi nhận mức tăng đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022. PMI tăng cho thấy sự phục hồi của sức cầu và các đơn hàng trong nền kinh tế.

Về thị trường XK, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tiếp đó là Trung Quốc, ASEAN...

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Ảnh: Song Lê

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD. Ảnh: Song Lê

Chủ động ứng phó với biến số khó lường

Tại phiên họp Chính phủ tháng 1/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hoạt động XK nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, trong khi đó, thời gian gần đây, căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Hoa Kỳ và EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam...

Để thúc đẩy động lực XK trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh giải pháp tiếp tục củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường XK mới như: Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh... Đồng thời, cần quản lý kịp thời thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của đối tác.

Ở trong nước, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo hướng cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cập nhật thông tin về tình hình vận tải biển đi châu Âu và Hoa Kỳ, thông tin với Báo Đấu thầu, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đến thời điểm này, giá cước vận tải hàng hóa bằng đường biển đi khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam đã có những động thái đầu tiên nhằm vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về phía VLA, theo ông Hiệp, bước đầu, Hiệp hội đã làm việc với một số hãng tàu quốc tế nhằm đề xuất xem xét, tính toán lại khoản phí áp dụng một cách hợp lý, chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp XK.

“Chúng tôi vẫn hy vọng tình hình ở Biển Đỏ sẽ thay đổi theo hướng lắng dịu căng thẳng, từ đó giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiệp chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông Hiệp đó chỉ là hy vọng, còn về dài hạn có lẽ vẫn phải tính toán những giải pháp bền vững để giảm gánh nặng chi phí logistics cho doanh nghiệp XK.

Trước đó, tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Bỉ, EU, Mỹ... đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị với các doanh nghiệp để tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như bối cảnh thị trường nước sở tại nhằm giúp doanh nghiệp XK chủ động thích ứng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đến ngày 27/1/2024, Bộ đã nhận được nhiều kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 02 của các bộ, ngành và địa phương. Nhìn chung, các kế hoạch đều khá chi tiết, rõ ràng... qua đó, phần nào cho thấy các đơn vị đang tích cực trong việc vào cuộc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế.

Chuyên đề