Thách thức chuyển đổi số với ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Nhiều ngân hàng thương mại đã bước đầu thực hiện chiến lược ngân hàng số. Đây được coi là chặng đường dài với nhiều rủi ro, thách thức cho cả các nhà băng và cơ quan quản lý nhà nước.

Ước tính, đến năm 2025, doanh thu của các dịch vụ truyền thống ngành ngân hàng sẽ dịch chuyển 17 - 34% sang các dịch vụ mới. Ảnh: Duy Tân
Ước tính, đến năm 2025, doanh thu của các dịch vụ truyền thống ngành ngân hàng sẽ dịch chuyển 17 - 34% sang các dịch vụ mới. Ảnh: Duy Tân

Bước đi mới nhất trong nỗ lực chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại là áp dụng định danh trực tuyến (eKYC) trong việc mở tài khoản cho các khách hàng. Đồng thời, nhiều nhà băng đã dựa vào các ứng dụng công nghệ mới để số hóa việc hỗ trợ khách hàng, tư vấn dịch vụ, cảnh báo rủi ro và phát triển các sản phẩm mới.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Công ty EY Consulting Việt Nam cho rằng, xu hướng hiện nay là sẽ có các mô hình kinh doanh mới thay thế cho các mô hình kinh doanh truyền thống. Theo ước tính của nhiều tổ chức nghiên cứu, đến năm 2025, doanh thu của các dịch vụ truyền thống ngành ngân hàng sẽ dịch chuyển 17 - 34% sang các dịch vụ mới. Đó cũng là xu thế tất yếu diễn ra trên thế giới và sẽ xảy ra ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, các ngân hàng Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình này. Trước hết là mối tương quan giữa chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh. Nhiều ngân hàng đặt ra không ít mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số, chẳng hạn, vừa muốn phát triển ngân hàng bán lẻ, lại muốn phát triển ngân hàng bán buôn và cả dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nhưng, việc hiện thực hóa tất cả các mục tiêu này là không hề đơn giản bởi đòi hỏi các chiến lược đầu tư trên nhiều nền tảng khác nhau, nguồn lực rất lớn hoặc rất nhiều tiền nên có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu về doanh số.

Vướng mắc thứ hai là chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về sản phẩm hoàn toàn mới dẫn đến việc các ngân hàng dè dặt cho ra mắt sản phẩm mới. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức làm việc theo mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới là điều không dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), chuyển đổi số là việc số hóa toàn bộ dữ liệu ngân hàng, quy trình thực hiện, quản trị điều hành, kinh doanh và các hoạt động khác trong lĩnh vực ngân hàng. “Điều khó nhất là thay đổi văn hóa doanh nghiệp, phải thay đổi từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Không dễ gì vượt qua được thách thức này nhưng không bước qua được có thể bị thất bại”, ông Thắng nói.

Mặt khác, cũng theo vị Phó Chủ tịch VINASA, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng không khác nhiều việc đầu tư mạo hiểm với nhiều rủi ro về pháp lý, về đánh giá năng lực tương ứng, thay đổi quy trình vận hành và cả rủi ro về con người. Nếu tính toán đầy đủ và thận trọng thì có thể giảm rủi ro trong thực hiện.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cơ quan này đang nỗ lực hỗ trợ ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số. Điều đó có thể thấy qua việc ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý với Thông tư 16/2020/TT-NHNN về eKYC đã được ban hành, hồ sơ về Dự thảo Nghị định tạo cơ chế hoạt động thử nghiệm cho các ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) chuẩn bị được thẩm định tại Bộ Tư pháp và hy vọng sẽ ban hành vào giữa năm sau.

Chuyển đổi số và tiến bộ của công nghệ thông tin đang diễn ra rất nhanh, đặt ra thách thức rất lớn với các chủ thể tham gia thị trường và cả cơ quan quản lý. Mục tiêu của các cơ quan quản lý là nỗ lực chạy song song với các tiến bộ này. Theo ông Dũng, để làm được như vậy, đòi hỏi cơ quan quản lý cũng phải tự đổi mới nhằm hỗ trợ thị trường tốt hơn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và kịp thời điều chỉnh, giám sát các hoạt động trên thị trường.

Chuyên đề