Tháo gỡ điểm nghẽn trong thanh toán không dùng tiền mặt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có những chuyển động tích cực trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để quá trình này tiến nhanh hơn nữa, cần sự thúc đẩy và đồng hành từ tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, người dân.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nhã Chi
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Nhã Chi

Mới đây, thông tin 22 tấn trái vải được bán qua ví điện tử trong 2 ngày triển khai gây ngạc nhiên với nhiều người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op - doanh nghiệp bán lẻ kết hợp với ví điện tử để bán loại nông sản này cho biết, chương trình thử nghiệm này là ý tưởng táo bạo song đã được thị trường đón nhận tích cực, mong là sẽ tiếp tục có thêm nhiều sự kết hợp như vậy để tạo các bước tiến nhảy vọt trong thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Từ góc độ đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán trên ví điện tử, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập ví MoMo cho biết, doanh nghiệp này đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dài nhưng mọi thứ đang thay đổi mạnh trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, MoMo đã phát triển hệ sinh thái ngày càng phong phú, với đa dạng đối tác, từ đó mang lại các giá trị tốt hơn cho khách hàng.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thói quen thanh toán, mua hàng bằng tiền mặt bị dịch Covid-19 làm thay đổi. Thống kê 4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch Covid -19 diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kì năm 2019.

Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch. Với thị trường Internet giá trị trên 20 tỉ USD, ông Dũng cho rằng trong thời gian sắp tới, nếu khuyến khích thanh toán không tiền mặt thì thị trường sẽ càng minh bạch, từ đó tạo cơ sở dữ liệu để cơ quan quản lý có thể kiểm soát các giao dịch, quản lý thuế tốt hơn.

Từ phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh. Đáng chú ý, thanh toán qua thẻ, Internet và điện thoại di động trong 4 tháng năm 2020 đều tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho rằng, cơ sở pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán nói chung, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ mới trong thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với kết nối tích hợp các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công...

Dù vậy, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN, cho rằng, thực tế thời gian qua vẫn còn một số điểm nghẽn khiến quá trình này chưa thể diễn ra nhanh chóng. Trong đó, điểm nghẽn dễ nhận thấy nhất là các bộ, ngành chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để ngân hàng có thể kết nối vào làm dịch vụ thanh toán, vì nếu không có cơ sở dữ liệu tập trung thì không thể nói đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Điểm nghẽn thứ 2, theo ông Dũng, là nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng. "Thực tế triển khai cho thấy 6 sở sử dụng 6 phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung nào nên rất mất công. Do vậy cần sự vào cuộc của các sở, ban ngành và các doanh nghiệp", ông Dũng nói.

Để góp phần đẩy mạnh hoạt động này, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước hết là trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC)...

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.

Chuyên đề