Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng: Thế khó của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chia sẻ, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Song, nếu “tháo” điều kiện tín dụng thì nợ xấu lại tăng. Các ngân hàng “đứng giữa 2 dòng nước”, vừa phải bảo đảm an toàn nợ xấu, vừa phải chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Giải bài toán thực tiễn như thế nào đang là câu hỏi hóc búa với toàn ngành ngân hàng…
Tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Sức hấp thụ vốn yếu ớt

Gia hạn nợ, giảm lãi suất điều hành trong khi hầu hết các nước tăng lãi suất là những nỗ lực mạnh mẽ của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề xuất cần hạ thấp điều kiện cho vay để dễ tiếp cận vốn. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu và rủi ro hệ thống là nỗi lo thường trực của ngành ngân hàng.

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” vừa diễn ra, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng để vừa tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, vừa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Đáng chú ý là việc ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Về lãi suất, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, giải pháp, song tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022 thấp hơn hẳn mức tăng 9,54% của cùng kỳ năm trước, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Việc nới lỏng các điều kiện tín dụng có thể đẩy nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng an toàn hệ thống ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi

Việc nới lỏng các điều kiện tín dụng có thể đẩy nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng an toàn hệ thống ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi

Bài toán khó với ngành ngân hàng

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho biết, hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 - 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 - 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn ngân hàng bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng. Một số doanh nghiệp muốn vay nhưng không đáp ứng được các điều kiện vay về phương án kinh doanh khả thi và tài sản thế chấp.

Do đó, ông Mạc Quốc Anh đề xuất các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc xem xét các điều kiện vay vốn theo tinh thần cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. “Có thể xem xét nâng tỷ lệ cho vay tín chấp trong tổng mức cho vay. Thông thường, doanh nghiệp sẽ được vay tín chấp 35% và vay thế chấp 65% của khoản vay cho một phương án kinh doanh phù hợp. Nếu tỷ lệ tín chấp được nâng lên 40 - 45% thì doanh nghiệp sẽ vay được số vốn lớn hơn. Đồng thời, có thể nới lỏng các quy định cho vay với lĩnh vực bất động sản để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn này”, ông Quốc Anh nói.

Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bởi họ đang thừa tiền và cũng rất muốn cho vay. Tuy nhiên, đặt tình huống một phương án kinh doanh được ngân hàng đánh giá là khó khả thi, không đạt các chỉ tiêu về kiểm soát rủi ro và khả năng mất vốn cao, thì thử hỏi ngân hàng nào dám cho vay? Do đó, việc nới lỏng các điều kiện tín dụng sẽ khiến rủi ro của các khoản vay càng cao.

“Nếu nới lỏng các điều kiện kiểm soát rủi ro thì có thể đẩy nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng an toàn hệ thống. Ngành ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, năm ngoái, chỉ riêng trường hợp mất thanh khoản trong thời gian rất ngắn của Ngân hàng SCB mà NHNN và cả hệ thống ngân hàng đã phải ‘gồng mình’ chống đỡ. Nếu không kiểm soát rủi ro chặt chẽ, thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế”, ông Thịnh nói.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ: “Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ được giãn - hoãn từ đại dịch Covid-19 vẫn chưa tất toán, lại phải tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác. Trong bối cảnh hiện nay, khó khăn còn kéo dài và không ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách”.

Thời gian qua ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp; các NHTM đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Bối cảnh hiện nay, theo Phó thống đốc, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Song, nếu ‘tháo’ điều kiện tín dụng thì nợ xấu lại tăng, khiến ‘cục máu đông’ nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế.

Cũng theo Phó thống đốc, hoạt động ngân hàng không thể lỗ, nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. “Ngân hàng rất khác với doanh nghiệp. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy”, ông Tú nhấn mạnh.

Chuyên đề