Mở lối cho doanh nghiệp tiếp cận vốn đa kênh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chốt năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng ước tăng khoảng 14,5%, mặt bằng lãi suất tăng gần 1%/năm, là mức biến động thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Hiện NHNN chưa công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023, nhưng mong muốn Chính phủ có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng.
Không chỉ các ngân hàng chờ room tín dụng, các doanh nghiệp cũng ngóng chỉ tiêu này để nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Không chỉ các ngân hàng chờ room tín dụng, các doanh nghiệp cũng ngóng chỉ tiêu này để nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Cuối tháng 9/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt do sai phạm trong phát hành trái phiếu DN. Sự kiện có ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - ngân hàng lớn thứ 5 tại Việt Nam về quy mô tổng tài sản, do mối liên hệ gần gũi giữa ban lãnh đạo của 2 DN. Từ đây, dư luận chứng kiến hiện tượng khách hàng đổ xô đến SCB rút tiền, cho đến khi có những động thái can thiệp quyết liệt của NHNN. Căng thẳng thanh khoản đã tạm lắng xuống, nhưng những gì đã qua chắc chắn sẽ khiến nhà quản lý phải cân nhắc kỹ về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) cho từng ngân hàng trong năm 2023 này.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, room tín dụng năm nay NHNN sẽ ưu tiên các tổ chức có cơ cấu tín dụng lành mạnh, có chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao, quản trị rủi ro tốt và/hoặc tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém. Cơ cấu tín dụng lành mạnh tức là phải có tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu DN thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao. Dựa trên những yếu tố này, phía VNDIRECT đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng tại 10 ngân hàng, trong đó, VPB, MBB, HDB và VCB dự báo có room ở mức cao nhất. Cụ thể, room tín dụng tại VPB có thể đến 24%; tại HBD dự kiến 20%; MBB dự kiến 18% và VCB dự kiến 13%. Các tổ chức khác (VIB, LVB, TPB, CTG…) dự kiến có room tín dụng khoảng 9,5 - 13% trong năm 2023.

Quan sát từ thị trường cho thấy, không chỉ các ngân hàng chờ room tín dụng, các DN cũng ngóng chỉ tiêu này để nắm bắt cơ hội và hy vọng tận dụng được vốn vay, nhằm giải cơn khát vốn đã chịu đựng từ nhiều tháng. Cuối năm 2022, nhiều hiệp hội, ngành nghề đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, phản ánh tình trạng khát vốn của DN. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều chi nhánh của các ngân hàng tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với DN thủy sản, khiến ngay cả DN lớn cũng không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất. Nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành…

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho biết, nhu cầu vốn cuối năm của các DN rất cao, không những sản xuất kinh doanh mà cả thương mại dịch vụ cũng cần vốn cho mùa Tết. Tuy nhiên, DN gặp khó mọi bề trong tìm kiếm nguồn tài trợ vốn. Thực tế, thị trường chứng khoán suy yếu, khiến DN không thể tự chủ huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Vay người thân, bạn bè, cán bộ nhân viên không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các DN trông chờ chính vào kênh cấp tín dụng ngân hàng. Dòng chảy vốn tín dụng đầu năm 2023 trở nên cần thiết hơn các năm khác, do có rất nhiều DN mong đợi trợ lực này để đi qua khó khăn…

Trên thị trường vốn quốc tế, câu chuyện chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ nới hơn hay thắt chặt vẫn là một dấu hỏi. Biên bản cuộc họp mới nhất được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 4/1 cho biết, không có quan chức nào tham gia cuộc họp nhận định rằng năm 2023 là thời điểm phù hợp để bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất quỹ liên bang, mà cần duy trì chính sách thắt chặt cho đến khi xu hướng lạm phát giảm một cách bền vững trở nên rõ ràng.

Năm 2023 tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: T. Việt

Năm 2023 tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: T. Việt

Với Việt Nam, tại báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô phát hành ngày 6/1/2023, Ngân hàng Standard Chartered nhận định, NHNN sẽ tiếp tục thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng Việt Nam (VND) và rủi ro bất ổn tài chính phát sinh từ các khoản cho vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm nghiên cứu của SSI Research thì cho rằng, mục tiêu điều hành trong năm 2023 sẽ không có nhiều khác biệt với hiện tại. Do bối cảnh kinh tế trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, SSI Research kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng nới lỏng hơn và kết hợp với chính sách tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ quốc tế vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn. Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao. Do đó, NHNN sẽ tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng, tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác…

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn. “Tuy nhiên, đối với nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía Nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các chính sách hỗ trợ vốn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả...”, bà Hồng nhấn mạnh.

Chuyên đề