Hóa giải thách thức tiếp cận vốn ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng đang thừa vốn nhưng không thể đẩy mạnh cho vay, doanh nghiệp rất cần vốn song không thể tiếp cận. Thực tế này khiến các chính sách tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng trở nên kém hiệu quả. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngân hàng “lùi” một chút nhưng vẫn bảo đảm an toàn, doanh nghiệp cố gắng nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng điều kiện vay thì nhiều khoản vay bế tắc có thể được giải ngân, cung cầu vốn gặp nhau, khi đó chính sách giảm lãi suất mới thực sự có ý nghĩa.
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn tín dụng do không đáp ứng được điều kiện cho vay. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn tín dụng do không đáp ứng được điều kiện cho vay. Ảnh: Lê Tiên

Tiêu chí khắt khe, doanh nghiệp khó vay

Tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng, các cấp ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn do doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả hoạt động, các tổ chức tín dụng (TCTD) rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng bởi phải bảo đảm an toàn hệ thống. Để tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của doanh nghiệp, theo ông Tú, bên cạnh giải pháp của ngành ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực tiếp cận vốn. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần xây dựng các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền của các phương án kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn sai mục đích/tận dụng để bù đắp cho những phương án kinh doanh không hiệu quả.

Riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cho biết, có tới 25% hội viên của Hiệp hội cho rằng hiện nay họ đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay khắt khe và tình trạng gây khó dễ của cán bộ ngân hàng.

Để ngân hàng được cân đối rủi ro trong phạm vi cho phép

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, ngành ngân hàng đã thưc hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Bởi vì, giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng.

“Kinh tế khó khăn, nguồn lực cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện quyết liệt những giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các TCTD đang đẩy mạnh áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch nên không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng”, ông Hùng nói.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, một trong những kiến nghị của ông Hùng là các TCTD cần rà soát, đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng, mở rộng các kênh bán hàng và kênh liên kết với đối tác; thiết kế những sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo từng nhóm ngành nghề. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm cho từng nhóm đối tượng khách hàng.

Liên quan nội dung này, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nêu quan điểm: “Khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Vậy chúng ta có hỗ trợ không? Thực tế doanh nghiệp khỏe không cần hỗ trợ nhiều. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn nhưng không đáp ứng được yêu cầu, vậy có hỗ trợ họ không? Theo tôi, hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện thì ngân hàng có thể chấp nhận tạo điều kiện cho vay nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay; đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần rà soát để linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng như phương án nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa, hàng tồn kho...

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn nên không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của ngân hàng, việc giảm lãi suất thời gian qua vẫn chưa hiệu quả và dòng vốn tín dụng giá thấp chưa đến được với doanh nghiệp.

Ông Huân cho rằng, bên cạnh việc giảm lãi suất, cần cân nhắc điều chỉnh có chọn lọc một số điều kiện và tiêu chuẩn giải ngân nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát được rủi ro dòng vốn. Chẳng hạn, linh hoạt hơn trong việc lựa chọn tài sản bảo đảm, tăng tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chuyên đề