Tách đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp: Cú huých mới cho cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết sẽ hoàn thiện đề xuất về việc tách đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tuy còn một số quan điểm khác nhau nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cách làm này giúp lựa chọn được những nhà đầu tư thực chất, hướng đến việc cải cách, phát triển doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa thời gian tới chủ yếu là những doanh nghiệp nắm giữ nhiều mảnh đất lớn ở vị trí đắc địa. Ảnh: Lê Tiên
Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa thời gian tới chủ yếu là những doanh nghiệp nắm giữ nhiều mảnh đất lớn ở vị trí đắc địa. Ảnh: Lê Tiên

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn giai đoạn tới, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất là loại bỏ đất đai trong định giá DN CPH.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các DN khi chuyển sang CPH thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH. Trường hợp DN không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Việc tách đất đai (nếu có) cũng cần có các quy định cụ thể, phù hợp, chính sách rõ ràng và dễ thực hiện. Để đạt mục tiêu như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe phản biện của các thành phần kinh tế, nhà đầu tư, công ty tư vấn”.

Năm 2021, tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu. Thu từ CPH thấp, chỉ đạt 4.402 tỷ đồng, bằng 11% dự toán trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn. 4 tháng đầu năm 2022, thoái vốn, CPH DNNN chỉ đạt 1.967 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán thu NSNN từ CPH, thoái vốn. Kết quả trên cho thấy, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy CPH, thoái vốn nhà nước tại DN rất hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt.

Trích Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, từ trước đến nay, nhiều vi phạm trong quá trình CPH là do sai phạm định giá và sử dụng sai mục đích đất đai. Hơn nữa, khi mua cổ phần DNNN, nhiều cổ đông chỉ nhắm đến diện tích đất DN đang sở hữu. Nhiều người “mang tiếng” là cổ đông chiến lược nhưng không quan tâm phát triển ngành nghề kinh doanh của DN.

“Các DN thực hiện CPH thời gian tới chủ yếu là những DN rất lớn, nắm giữ nhiều mảnh đất lớn ở vị trí đắc địa. Do đó, nếu không kiểm soát chặt hoặc không loại bỏ đất đai trong quá trình định giá DN thì việc CPH có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước lớn. Loại bỏ đất đai, thì bản thân DN có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư chứ không phải đất đai, hay nói cách khác, không lấy đất làm “mồi” để thu hút nhà đầu tư, tránh các sai phạm như thời gian qua và tránh làm méo mó quá trình CPH DNNN”, ông Ánh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc tách đất đai ra khỏi định giá DN sẽ giúp thực hiện CPH đơn giản, nhanh hơn và tháo gỡ nút thắt từ việc này trong những năm vừa qua.

“Mặt khác, cách thức này giúp việc lựa chọn nhà đầu tư cho DN phù hợp hơn với tiêu chí cùng cải cách và phát triển DN theo định hướng ngành nghề chủ chốt, từ đó có thể lựa chọn được những nhà đầu tư thực chất. Thị trường luôn có những nhà đầu tư thực chất, quan trọng là xác định giá bán hợp lý thì sẽ có người mua”, ông Hải nói.

Trong khi đó, theo TS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế, loại bỏ đất đai khỏi định giá DN sẽ khiến quá trình CPH được thực hiện nhanh hơn song lại ảnh hưởng đến tính linh hoạt và năng động của DN trong việc sử dụng các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, trong giai đoạn khó khăn, khi không thể duy trì sản xuất, kinh doanh 100% công suất, DN có thể tạm thời sử dụng một phần diện tích đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác để có nguồn thu bù đắp.

“Vấn đề của chúng ta là cách thức xác định giá đất chưa hợp lý nên gây khó cho quá trình này. Nhiệm vụ của CPH là cấu trúc lại DN, bảo đảm năng suất cao hơn trước, nguồn lực (trong đó có đất) sử dụng ít hơn trước nhưng năng suất cao hơn mới là cơ chế thị trường”, ông Võ nói.

Chuyên đề