Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước: Nên loại bỏ “đất đai” trong định giá doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xác định không đúng giá trị quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất là những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ đất đai ra khỏi quá trình xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thay bằng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm theo đúng mục đích sử dụng.
Xác định không đúng giá trị quyền sử dụng đất là những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Xác định không đúng giá trị quyền sử dụng đất là những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại Hội thảo Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, tình trạng cổ phần hóa 2 năm nay hầu như không nhúc nhích với nguyên nhân chính từ việc xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó xác định giá trị quyền sử dụng đất rất khó khăn và doanh nghiệp sợ sai.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết: “Kiểm toán Nhà nước từng kiểm toán việc xác định giá trị của 45 DNNN thực hiện cổ phần hóa, giá trị xác định lại tăng bình quân 2,8 lần. Thực tế cho thấy, việc xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác chủ yếu do xác định giá trị quyền sử dụng đất chưa đúng. Nhiều sai phạm từ việc này đã bị xử lý hình sự như vụ việc tại Công ty Tân Thuận, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Đáng lưu ý, trong nhiều trường hợp, thay vì tận dụng nguồn lực đất đai để phát triển lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính thì doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hưởng lợi lớn từ chênh lệch địa tô. Sau đó, đóng cửa doanh nghiệp, sa thải người lao động và bán rẻ máy móc thiết bị. Điều này giết chết nền sản xuất trong nước và làm sai lệch mục tiêu cổ phần hóa”.

Theo ông Phớc, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, cần xem xét sửa đổi chính sách theo hướng quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp một cách khả thi và chính xác. Đồng thời, xem xét việc có nên tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không, hay chuyển hết sang hình thức thuê đất hàng năm, doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo mục đích được thuê và không chuyển mục đích sử dụng đất.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính nêu một số nhóm giải pháp để thúc đẩy việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của DNNN.

Trong đó, cần sửa quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án “giữ lại tiếp tục sử dụng” thì việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo pháp luật về: đất đai, doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhiều lần.

Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tính giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường trong xác định giá trị doanh nghiệp là làm khó cho doanh nghiệp.

“Thị trường thay đổi liên tục, giá hôm nay và giá ngày mai đã khác nhau. Giá thị trường là từ nghe có tính khoa học và minh bạch nhưng thực tế lại không làm được. Do đó, khi xác định giá trị doanh nghiệp, lo nhất là xác định giá đất. Có trường hợp, sợ “hớ” và có thể dẫn đến sai phạm nên xác định giá thật cao, sau đó không thể bán được. Do đó, tôi đồng tình với đề xuất loại “đất đai” ra khỏi hạng mục xác định giá trị doanh nghiệp để doanh nghiệp đỡ sợ sai”, ông Nam nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đất đai là điểm vướng nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp. Các sai phạm về đất đai trong cổ phần hóa thời gian qua chủ yếu xảy ra khi chuyển mục đích sử dụng đất. “Nếu tiếp tục xác định giá trị quyền sử dụng đất thì quá trình cổ phần hóa và thoái vốn sẽ vẫn tắc nghẽn và kéo dài. Do đó, tôi ủng hộ việc xem xét, đề xuất tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh.

Chuyên đề