Sống xanh trong các khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Các khu nhà ở xã hội (NƠXH) trong các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh… không chỉ được đánh giá là đảm bảo môi trường, mà còn tạo cho người lao động (NLĐ) một nơi an cư để lạc nghiệp.

Bên cạnh việc bảo đảm an sinh cho người lao động, những địa phương có thế mạnh về phát triển nhà ở xã hội sẽ tăng sức hút đối với nhà đầu tư khi chọn địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Song Lê
Bên cạnh việc bảo đảm an sinh cho người lao động, những địa phương có thế mạnh về phát triển nhà ở xã hội sẽ tăng sức hút đối với nhà đầu tư khi chọn địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Song Lê

Nỗ lực vì an cư cho người lao động

Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện toàn tỉnh có 38 dự án NƠXH còn hiệu lực của giai đoạn 2014 - 2020, với tổng diện tích hơn 124 ha, khi hoàn thành sẽ có 22,7 ngàn căn nhà để an cư. Trong 38 dự án nói trên, nay có 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Điển hình là ở huyện Nhơn Trạch, có 3 dự án NƠXH do Công ty TNHH Hyosung Việt Nam đầu tư; dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị và KCN IDICO xây dựng; dự án NƠXH ở xã Phước An do Công ty CP Đệ Tam đầu tư. Tại huyện Cẩm Mỹ cũng có 1 dự án NƠXH do Doanh nghiệp tư nhân Á Châu thực hiện. Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh nên tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo Quyết định 4197/QĐ-UBND ngày 8/12/2016 của UBND Tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển NƠXH trên địa bàn Đồng Nai thì giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng 20 ngàn căn NƠXH.

Thời gian qua, Bình Dương được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về công tác đầu tư phát triển NƠXH. Đến nay, Bình Dương đã thu hút 86 dự án phát triển NƠXH với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 199,77 ha, tương đương với khoảng 3,9 triệu m² sàn xây dựng. Trong đó, có 43 dự án thuộc Đề án Nhà ở an sinh xã hội Becamex do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích khoảng 3 triệu m² sàn nhà ở và khoảng 141,4 ha đất Becamex IDC bố trí để xây dựng nhà ở cho công nhân tại địa bàn huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thủ Dầu Một với tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 1,82 triệu m².

Tương tự, tỉnh Bắc Ninh cũng đang nỗ lực phát triển NƠXH để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân. Với 10 trong số 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đi vào hoạt động, tỉnh Bắc Ninh hiện thu hút khoảng gần 300.000 NLĐ đến làm việc, trong đó 70% là dân ngoại tỉnh. Hầu hết, số NLĐ này tập trung tại các địa phương phát triển KCN như: huyện Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du… Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 27 dự án nhà ở đáp ứng chỗ ở cho khoảng 220 nghìn công nhân. Trong đó, có 5 dự án đã có công trình đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho 17 nghìn công nhân; 7 dự án đang triển khai đầu tư; 10 dự án đã hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư và UBND Tỉnh đã ký kết hợp đồng sử dụng đất; 5 dự án đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến năm 2020, có 2 dự án có công trình đưa vào sử dụng với 45 nghìn m² sàn nhà, tương đương khoảng 755 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6 nghìn công nhân.

Việc hình thành các khu NƠXH quy mô lớn, khang trang đã tạo được ấn tượng tốt đối với DN, góp phần thu hút đầu tư, giữ chân CNLĐ, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định. Điều đáng mừng nữa là, bên cạnh việc hàng loạt dự án các khu dân cư, khu đô thị khởi động và đang nhanh chóng rút ngắn tiến độ để đưa sản phẩm ra thị trường, thời gian qua, nhiều dự án NƠXH cũng được các nhà đầu tư bất động sản chú ý.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chương trình phát triển NƠXH của các địa phương có công nhân lao động (CNLĐ) đến làm việc đông không những đem lại niềm phấn khởi cho NLĐ mà còn tạo ấn tượng tốt đối với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Bởi thực tế không phải DN nào cũng có điều kiện để xây nhà ở, ký túc xá cho CNLĐ. Chương trình NƠXH ra đời góp phần giảm sức ép về nhu cầu nhà ở của NLĐ, giúp DN giảm bớt gánh nặng về nhà ở cho đội ngũ nhân công. Đây cũng có thể xem là một yếu tố hết sức thuyết phục đối với các nhà đầu tư khi chọn các địa phương có thế mạnh về NƠXH để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hướng đến việc đáp ứng chỗ ở theo nhu cầu thực tiễn

Nhu cầu nhà ở của CNLĐ, đặc biệt là công nhân tại các KCN ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã có 173 dự án nhà ở cho CNLĐ, với số lượng khoảng 129.400 căn hộ. Trong đó có 100 dự án đã hoàn thành với quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn hộ. Hiện còn 73 dự án vẫn đang tiếp tục được triển khai với quy mô xây dựng khoảng 88.400 căn hộ. Tuy nhiên, các dự án đã hoàn thành hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng gần 30% nhu cầu của CNLĐ.

Ở TP.HCM, theo tính toán, hiện mới chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu nhà ở cho CNLĐ. Tại Hà Nội lại còn khó khăn hơn, ước tính mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Trong khi đó, tại Hải Dương, theo Ban Quản lý các KCN của tỉnh này, ước tính đến năm 2020, số CNLĐ trong các KCN sẽ là 104.500 người và tăng lên 248.000 người vào năm 2030. Riêng ở Bắc Ninh, hiện có khoảng hơn 150 ngàn CNLĐ đang làm việc tại các KCN, tuy nhiên số CNLĐ có nhu cầu thuê nhà để ở là hơn 75.000 ngàn người. Ước tính, cứ mỗi năm, con số này tăng lên từ 20 - 30%.

Để phát triển NƠXH tại các KCN, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về các giải pháp đẩy mạnh phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân KCN. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các DN kinh doanh bất động sản, DN có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN. Mặc dù việc phát triển NƠXH cho công nhân KCN đã đạt được một số kết quả quan trọng như nêu trên, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Việc hình thành các khu NƠXH quy mô lớn, khang trang đã tạo được ấn tượng tốt đối với DN, góp phần thu hút đầu tư, giữ chân CNLĐ, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định. Điều đáng mừng nữa là, bên cạnh việc hàng loạt dự án các khu dân cư, khu đô thị khởi động và đang nhanh chóng rút ngắn tiến độ để đưa sản phẩm ra thị trường, thời gian qua, nhiều dự án NƠXH cũng được các nhà đầu tư bất động sản chú ý. Nhiều chủ đầu tư cho biết, thời gian qua do Chính phủ tạm ngưng nguồn vốn vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng để xây dựng và mua nhà nên nhiều công ty đã thực hiện dự án rất chậm. Vì thế đến nay, các địa phương mới hoàn thành một con số NƠXH còn khiêm tốn. Dự kiến từ đây đến cuối năm 2020, trên cả nước sẽ tiếp tục có hàng ngàn căn NƠXH đi vào khai thác, sử dụng.

Chuyên đề