Sẽ tự do hóa lãi suất khi không còn “kinh tế ngầm”

Tự do hóa lãi suất là một xu hướng tất yếu của thị trường tiền tệ và Việt Nam đang đi đúng theo quy luật này.
Sẽ tự do hóa lãi suất khi không còn “kinh tế ngầm”

Vậy cần tiếp tục con đường tự do hóa lãi suất như thế nào? Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, có thể thực hiện tự do hóa lãi suất khi ngân hàng minh bạch, rộng khắp và tình trạng cho vay nặng lãi giảm.

Với những quy định hiện hành, theo ông, tiến trình tự do hóa lãi suất có được rộng mở?

Tư duy tích cực theo hướng tiến tới thực hiện tự do hóa lãi suất đã được thể hiện rõ khi Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 10 quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác liên quan có quy định khác.

Tự do hóa lãi suất là xu hướng tất yếu. Chúng ta đang xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rõ ràng lãi suất cũng là giá của một loại hàng hóa đặc biệt là tín dụng, do đó cũng phải tuân thủ theo quy luật thị trường.

Theo quy luật của nước ta trong những năm gần đây, quá trình tự do hóa lãi suất cũng đã được mở khá nhiều. Lúc đầu chúng ta quy định lãi suất cứng, sau này chúng ta quy định lãi suất sàn, lãi suất trần, tới khi thị trường cạnh tranh hoàn hảo không có liên kết, không có độc quyền, chúng ta sẽ tự do hóa lãi suất như các nước phát triển.

Trong tình hình hiện nay, các tổ chức tín dụng lớn với khoảng 10-15 ngân hàng hàng đầu của đất nước đang chiếm tuyệt đại đa số dư nợ cho vay của nền kinh tế, do vậy khả năng liên kết giữa các ngân hàng này dẫn đến sự khống chế lãi suất và gây bất lợi cho người gửi tiền cũng như nền kinh tế là điều cần được cân nhắc.

Với quy định về trần lãi suất trong Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), tôi cho rằng là phù hợp và với điều kiện của nước ta là không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Có ngân hàng lập luận rằng, nếu cho tự do hóa lãi suất đã không xảy ra việc lãi suất trong giai đoạn vừa rồi có lúc lên tới đỉnh 22 - 23%/năm. Ông thấy sao về ý kiến này?

Lãi suất lên cao chủ yếu là những năm 2010 - 2011 nhưng nguyên nhân đẩy lãi suất lên cao là chỉ số CPI quá cao. Năm 2011 CPI là 18,13%, do vậy lãi suất huy động theo lý thuyết phải cao hơn CPI để đảm bảo cho người gửi tiền có lãi suất thực dương. Lãi suất huy động đã cao thì lãi suất đầu ra cũng phải cao vì cần cộng cả hoạt động chi phí của ngân hàng. Khi lạm phát được kiềm chế, rõ ràng lãi suất huy động và cho vay phải giảm theo tình hình thực tiễn.

Lúc bấy giờ lãi suất của chúng ta thực hiện theo lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng nên khi lãi suất cho vay được nâng nên, lãi suất bình quân liên ngân hàng cũng tăng.

Vậy theo ông khi nào thì chúng ta có đủ điều kiện để tự do hóa lãi suất?

Tôi đã đi nhiều nước, làm việc với nhiều ngân hàng trung ương và thấy có xu hướng tự do hóa lãi suất nhưng người ta vẫn ngăn chặn tình trạng liên kết độc quyền để nâng lãi suất lên quá cao cũng như ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi chứ không phải thả nổi lãi suất. Tất nhiên thực trạng cho vay nặng lãi ở các nước là khác nhau vì hệ thống tín dụng phát triển của họ rộng, thủ tục hành chính gọn nhẹ, quy định minh bạch, việc vay, trả nợ hết sức thuận lợi. Người dân có thể vay, trả nợ bằng chuyển khoản, có thể bấm điện thoại là thực hiện được điều đó. Với hệ thống ngân hàng hoạt động rộng, thuận lợi, tình trạng cho vay nặng lãi cũng có nhưng phạm vi ít.

Ở Việt Nam, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tình trạng cho vay nặng lãi, kinh tế ngầm, kinh tế “đen” còn lớn và phổ biến, nên tôi cho là hiện tại pháp luật cần quy định về lãi suất. Còn đến khi hệ thống ngân hàng minh bạch, rộng khắp và tình trạng cho vay nặng lãi giảm, chúng ta mới nên bỏ quy định trần lãi suất vì ở đây pháp luật không chỉ bảo vệ và tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mà còn bảo vệ quyền lợi cho người vay tiền mà đặc biệt là người vay tiền và đối tượng cho vay  nặng lãi.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên đề

Kết nối đầu tư