Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất 2016 có thể giảm nhẹ

Cho rằng giữ lãi suất ổn định là một thách thức lớn năm 2016, song Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quốc Dũng tin tưởng mục tiêu đưa mặt bằng lãi suất giảm nhẹ là điều có thể làm được.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng. Ảnh:Thanh Lan.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Bùi Quốc Dũng. Ảnh:Thanh Lan.

Đầu xuân Bính Thân, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quốc Dũng đã có những chia sẻ với VnExpress về những kết quả cũng như định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm nay.

- Sau hơn một tháng điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận kết quả như thế nào?

- Sau khi bắt đầu áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh, thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015. Điểm được nhất mà cơ chế điều hành tỷ giá mới mang lại chính là việc nó giúp giảm những cú sốc từ thị trường quốc tế đối với Việt Nam khi đầu năm thị trường tài chính thế giới có nhiều bất lợi. Ngày 4-7/1, đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá lên tới xấp xỉ 1,1%; thị trường chứng khoán Trung Quốc hai ngày phải ngừng giao dịch do lao dốc trên 7%, kéo theo sự sụt giảm trên một loạt các thị trường chứng khoán lớn, giá dầu chạm đáy hơn một thập kỷ. Đồng tiền nhiều nước châu Á giảm giá mạnh. 

Mặt khác, cách thức điều hành tỷ giá mới cũng làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.

- Nhưng có ý kiến cho rằng sở dĩ tỷ giá từ đầu năm giảm mạnh là nhờ nguồn kiều hối đổ về mạnh chứ không hẳn do cơ chế điều hành tỷ giá mới. Ông nghĩ sao?

- Như tôi đã nói trên đây, cơ chế điều hành tỷ giá mới giúp hấp thu dần các cú sốc bên ngoài và giảm thiểu tác động đối với thị trường ngoại tệ trong nước cũng như giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Chính vì vậy, các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam, thay vì bị các tổ chức, cá nhân giữ lại với kỳ vọng tỷ giá tăng mạnh, đã được bán cho các ngân hàng, tạo nguồn cung cho thị trường. Một lượng lớn ngoại tệ đã bị găm giữ từ cuối năm ngoái cũng dần được giải phóng sau khi áp dụng cơ chế điều hành mới, giúp nguồn cung cải thiện.

Nhờ đó, dù nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong tháng đầu năm vẫn ở mức cao (3 tuần đầu tháng 1, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn bán ròng ngoại tệ) nhưng vẫn không gây áp lực tăng tỷ giá như các giai đoạn trước.

- Dù sao điều người dân quan tâm nhất vẫn là với cơ chế điều hành mới, tỷ giá sẽ tăng giảm như thế nào. Vậy dự báo của ông về hướng đi của tỷ giá trong năm 2016 ra sao?

- Trước khi thay đổi cơ chế điều hành, nhiều chuyên gia dự báo tỷ giá thậm chí tăng 5-7% trong năm 2016. Tuy nhiên, sau khi triển khai cách thức điều hành mới, diễn biến thị trường ổn định, tỷ gia sgiamr nhanh thì các dự báo cũng có nhiều thay đổi. Như Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỷ giá tăng 1-2%, HSBC đưa ra con số 3-4% còn một số chuyên gia khác ước tính tăng khoảng 3%.

Sở dĩ các dự đoán có nhiều thay đổi theo hướng giảm là nhờ cách điều hành mới được thị trường đón nhận, tâm lý đầu cơ, găm giữ gần như không còn. Cùng với các biện pháp điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá 2016 sẽ không biến động quá lớn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, ổn định tỷ giá là điều kiện cần để Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất – điều mà các doanh nghiệp luôn mong mỏi. Vậy năm nay mặt bằng lãi suất sẽ ra sao, thưa ông?

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng có thể đưa lãi suất giảm nhẹ vào năm 2016 dù gặp rất nhiều thách thức. Ảnh: PV

- Năm 2016, việc giữ ổn định lãi suất đã là một thách thức rất lớn bởi nhiều yếu tố gây áp lực. Lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động. Chưa kể, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011–2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng gia tăng. Ngoài ra, việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4% một năm lên gần 7% một năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Ngoài các biện pháp kiên định, đồng bộ như trước đây, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp, công cụ điều hành mới nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 theo tôi là khả thi.

- Trong hai năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã dùng rất nhiều biện pháp để khiến người dân “chán” vàng và đưa thị trường vàng trở lại ổn định. Vậy còn với tâm lý tích trữ đôla Mỹ của người dân, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm như thế nào?

- Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc từng bước hạn chế tình trạng đôla hóa, các biện pháp và công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước đều kiên định theo mục tiêu là giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoạitệ, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán để đồngUSD chỉ thực hiện chức năng thanh toán quốc tế chứ không phải là công cụ đầu cơ, găm giữ. Nhờ trong những năm qua, thị trường ngoại tệ đã tương đối ổn định, tỷ lệ đôla hóa giảm mạnh từ mức 16% cuối năm 2011 xuống quanh mức 10%, là mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, do có ký ức dài về lạm phát cao, người dân Việt Nam nhìn chung vẫn còn thói quen và tâm lý nắm giữ USD như một kênh để đầu tư. Vì vậy, để giảm tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, đòi hỏi không chỉ từ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mà còn cần các giải pháp đồng bộ từ các lĩnh vực khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại và các giải pháp vận hành nền kinh tế.

Chuyên đề