Càng sát những ngày nghỉ Tết, giá vàng trong nước càng tăng cao. Tại các tiệm vàng ở Hà Nội và TP HCM, người dân tấp nập mua vàng, chủ yếu vàng nhẫn và các loại nữ trang.
Giá vàng tăng vọt trong ngày làm việc cuối cùng của năm Ất Mùi (5/2), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã có lúc niêm yết giá vàng ở mức 33,16-33,46 triệu đồng/lượng lần lượt theo giá mua vào và bán ra, có nơi lên tới 33,48 triệu đồng/lượng. So với chiều 4/2, giá vàng SJC tăng tới 210.000 - 240.000 đồng mỗi lượng, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới rút ngắn xuống mức thấp nhất trong nửa năm là 1,9 triệu đồng/lượng.
Theo giới kinh doanh vàng, diễn biến giá vàng tăng cao do ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Sau khi Chủ tịch Fed New York nhận định rằng các điều kiện tài chính được thắt chặt có thể khiến Ngân hàng Trung ương trì hoãn đợt nâng lãi suất sắp tới. Theo kế hoạch, Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm 2016. Lãi suất thấp là môi trường có lợi cho giá vàng - thứ tài sản không sinh lợi nhuận qua lãi suất.
Hơn nữa, đúng vào thời điểm các nước châu Á đón Tết cổ truyền đã làm tăng nhu cầu đối với kim loại quý khiến giá vàng thế giới có thể tăng lên.
Giá vàng thế giới đã chốt lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 2 với mức tăng xấp xỉ 5%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của giá vàng quốc tế trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Chính vì vậy, nhiều người đã mường tượng về một năm khởi sắc của vàng sau một năm trầm lắng như 2015.
Biểu đồ giá vàng SJC trong 1 năm qua. Nguồn: SJC
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Như My – Giám đốc Kinh doanh Vàng của Tập đoàn DOJI cho biết, các chính sách quản lý thị trường vàng từ sau nghị định 24/2012/NĐ-CP được NHNN ban hành 03/4/2012 đã có tác động tích cực đến thị trường vàng. Có thể nhìn thấy thị trường vàng đã dần ổn định và hạn chế được sự mua bán vàng ồ ạt khi có biến động giá.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp được cấp phép Kinh doanh Vàng miếng niêm yết công khai là kênh tham khảo hữu hiệu cho khách hàng trước khi quyết định tham gia mua bán. Giá vàng khá ổn định và không có sự chênh lệch về giá quá lớn giữa các doanh nghiệp, giá không còn tình trạng tiểu thương gây lũng đoạn.
Điều này đã khiến khách hàng dần dần có niềm tin với thị trường vàng, có nơi để đặt niềm tin vào việc mua bán, cũng như có những cái nhìn đa chiều khi tham gia vào thị trường quý kim này.
"Có thể thấy rằng năm 2015 là một năm khá ổn định đối với thị trường vàng miếng. Chuyển sang năm 2016 các chuyên gia cho rằng giá vẫn trong chu kỳ giảm giá, khi thị trường vẫn chịu tác động bởi lộ trình tăng lãi suất của Fed... Giá vàng trong nước sẽ còn có những ảnh hưởng nhất định và biến động tăng giảm trong biên độ hẹp", đại diện của DOJI cho biết.
Tuy nhiên, vàng vẫn được nhìn nhận và đánh giá cao là công cụ để phòng chống rủi ro, nhất là khi giá giảm thấp thì nhu cầu vàng vật chất sử dụng cho nữ trang lại tăng cao. Diễn biến trong năm 2016 vẫn hứa hẹn những bất ngờ bởi những chính sách kinh tế vĩ mô của thế giới và kết hợp với những điều chỉnh phù hợp từ phía NHNN.
Dự đoán về đường đi của giá vàng trong năm nay, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhận xét, năm 2016, vàng vẫn còn là con số bí ẩn. 50% chuyên gia dự báo giá vàng có thể mất mốc 1.000 USD/oz khi Fed tiếp tục có động thái nâng lãi suất và 50% dự báo giá vàng tăng nhẹ, bình quân lên 1.150 USD/oz.
“Như vậy vẫn còn quá nhiều ẩn số để dự đoán được diễn biến giá vàng, theo tôi người mua vàng để tích lũy thì không sao nhưng để đầu cơ mua đi bán lại thì cần hết sức thận trọng”, bà Cúc nhận định.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, cơ quan quản lý đã bình ổn được thị trường vàng, không làm thị trường có những biến động, xáo trộn gây bất ổn vĩ mô.
Tuy nhiên để nói về đầu tư hay dưới góc độ kinh doanh, TS. Thành cho rằng nếu tìm được kênh đầu tư nào khác mà phát triển hơn thì tốt hơn, còn nếu để tìm kiếm lợi nhuận từ vàng thì đây là kênh không thực sự hấp dẫn.
Còn dưới góc độ tích trữ, tiết kiệm thì vàng vẫn là tài sản có tính thanh khoản tốt, là hầm trú ẩn tài sản đảm bảo theo nghĩa dài hạn phù hợp với tâm lý của người dân một số nước châu Á.