Sẽ gia tăng kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam mới đạt khoảng 30%. Tại Tọa đàm Tăng kết nối hỗ trợ DN tận dụng Hiệp định EVFTA mới đây, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hiện thực hóa các ý tưởng kết nối DN xuất khẩu, trợ giúp DN bước sâu hơn vào thị trường EU.
Cần có một kênh chính thống hỗ trợ kết nối doanh nghiệp nhằm tăng cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Cần có một kênh chính thống hỗ trợ kết nối doanh nghiệp nhằm tăng cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều trục trặc trong kết nối

Sau hơn 2 năm thực thi EVFTA (từ tháng 8/2020), Bộ Công Thương nhìn nhận, thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với những kết quả đáng ghi nhận. Xuất khẩu (XK) của DN trong nước sang thị trường EU tăng trưởng ở mức hai con số, kể cả trong thời gian đại dịch diễn biến phức tạp nhất. 11 tháng năm 2022, XK sang thị trường EU ước đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đoàn Lan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đổi mới - DN xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ chia sẻ, nhờ có Hiệp định mà DN của ông cũng như nhiều DN khác trong ngành có sự phát triển tích cực, dù tình hình kinh tế thế giới, trong nước vẫn tiếp tục khó khăn.

Mặc dù vậy, nhìn tổng thể, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, tới thời điểm này, XK sang thị trường châu Âu chưa có sự bứt phá. Mức tăng XK vào thị trường EU năm nay khoảng 14 - 15% cũng chỉ bằng mức tăng trưởng XK trung bình của năm 2022.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương thừa nhận, trong thương mại Việt Nam - EU vẫn còn một số điểm tồn tại có thể cải thiện, làm tốt hơn để gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường lớn này.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ tận dụng cơ hội từ EVFTA mới đạt 30%, chỉ có một số mặt hàng tận dụng được 60 - 70% cơ hội như: rau quả, gạo, thủy sản…, nhưng giá trị rất khiêm tốn, thị phần chưa đáng kể. Đối tác truyền thống vẫn là đối tác XK chủ yếu. Thương hiệu các sản phẩm Việt Nam tại châu Âu còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia, DN tham dự Tọa đàm chỉ ra là, tính kết nối của DN với các bên liên quan vẫn còn nhiều trục trặc. Sự kết nối của DN XK trong nước với nhau cũng như sự kết nối của DN với các cơ quan quản lý, nhất là với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài còn chưa tốt…

“Đơn cử tại Hải Phòng có 2 DN cùng làm mặt hàng da giầy để XK, trong đó 1 DN chuyên gia công với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, DN còn lại chú trọng thương hiệu nên chủ động về nguồn nguyên liệu trong nước, thiết kế sản phẩm... Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, DN gia công bị đứt gãy nguồn cung, thiếu nguyên liệu sản xuất, còn DN làm thương hiệu lại dồi dào nguồn cung nhưng thiếu thị trường”, ông Khanh chia sẻ.

Bộ Công Thương: Sẽ thúc đẩy kết nối doanh nghiệp xuất khẩu

Nhắc lại câu thành ngữ “buôn có bạn, bán có phường”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự kết nối trong việc hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn các cơ hội từ EVFTA. Sự kết nối, liên kết trong kinh doanh không chỉ giúp DN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng đối tác, mà còn tạo dòng vốn cho DN…, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa XK.

Theo ông Thành, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của kết nối giữa các bên trong kinh doanh đặc biệt quan trọng, bởi hoạt động kinh doanh hiện nay diễn ra theo mạng, theo chuỗi, nếu thiếu sự kết nối, DN sẽ khó lòng chen chân vào chuỗi. Hơn nữa, XK hàng hóa là “cuộc chơi” của hội nhập quốc tế, muốn XK thì DN phải kết nối được với các bạn hàng…

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, với thị trường lớn như EU, các DN XK thiếu sự liên kết, “đơn thương độc mã” tham gia thị trường thì sẽ rất khó khăn. Muốn XK được hàng, DN vừa phải có sản phẩm chất lượng, vừa phải kết nối để khai thác tốt thị trường.

Song kết nối là việc không dễ. Theo ông Nam, kết nối theo chuỗi là kết nối theo chiều dọc, mỗi DN đảm đương một phần trách nhiệm trong chuỗi. Điều này đòi hỏi DN phải đầu tư mạnh mẽ hơn, bên cạnh đó phải có sự hỗ trợ về thể chế thông qua quy định pháp luật về vấn đề này.

Từ kinh nghiệm “mang chuông đi đánh xứ người”, ông Đoàn Lan cho biết, nhiều năm qua, DN đã tận dụng tối đa mối quan hệ với những người Việt Nam ở nước ngoài cũng như thông qua các thương vụ để tìm kiếm, phát triển thị trường. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, ông Lan đề nghị, để tăng cơ hội XK cho DN, cần có một kênh chính thống hỗ trợ kết nối DN với thị trường quốc tế.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hiện thực hóa các ý tưởng kết nối DN XK. Thời gian tới, với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện EVFTA, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử về các FTA Việt Nam, thúc đẩy kết nối hệ sinh thái DN XK…

Chuyên đề