Một năm thực thi EVFTA: Thúc đẩy cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, một năm sau khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã thúc đẩy cải cách thể chế, bước đầu đem lại những “trái ngọt” cho nền kinh tế nước ta.
Gạo là một trong những mặt hàng được đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trưởng EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Internet
Gạo là một trong những mặt hàng được đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trưởng EU kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Internet

Ông Thái cho biết, kể từ khi Hiệp định được đưa vào thực thi cho đến nay, Việt Nam đã tích cực, chủ động và nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của Hiệp định, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tận dụng hiệu quả Hiệp định này, trong đó có công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định.

Cụ thể, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã sửa đổi, ban hành mới 08 văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này ở cấp Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư trong các lĩnh vực liên quan đến thuế quan, nông nghiệp, xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại.

Một số văn bản pháp luật cũng đang được các Bộ ngành liên quan tiến hành ban hành mới hoặc sửa đổi để phù hợp với các cam kết đã có như: Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi Bộ luật Lao động sửa đổi… Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cũng liên tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính tương thích với các cam kết của Hiệp định, cũng như đưa ra những điều chỉnh kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi Hiệp định này.

Đối với công tác cải thiện, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, DN.

Về phía Bộ Công Thương, trong 2 năm (2019 - 2020), Bộ đã cắt giảm thêm 205 điều kiện kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025 bám sát vào các nguyên tắc lấy DN và người dân làm trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho DN người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh”, ông Thái cho biết.

Với những nỗ lực như vậy, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên bày tỏ tin tưởng rằng chúng ta từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, như vậy sẽ tạo đà cho việc thực thi các FTA đạt hiệu quả cao nhất.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này lên đến 29,09% . Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: Sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD tăng 33,75%; rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.

Chuyên đề