Nối dài danh sách ngân hàng M&A

Mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng gần kề cũng là thời điểm để thị trường, nhà đầu tư, cổ đông nghe ngóng về các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này.
VietABank vừa phát hành cổ phiếu và thu về hơn 400 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ. Ảnh: Lê Toàn
VietABank vừa phát hành cổ phiếu và thu về hơn 400 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ. Ảnh: Lê Toàn

Với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo nhằm lành mạnh hóa hệ thống, các thương vụ M&A năm 2016 trong ngành ngân hàng sẽ bắt đầu lộ diện trong mùa đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4 tới. Trong đó, đáng chú ý là những ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu, những ngân hàng nhỏ, yếu kém về năng lực tài chính, nợ xấu tăng cao trong những năm qua.

Mặc dù thời gian qua, một số ngân hàng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ, song nếu kết quả phát hành không thành công thì cũng khó tránh khỏi M&A. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Công Thương Sài Gòn (Saigonbank) đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 26/9/2015.

Thực chất, kế hoạch tăng vốn của Saigonbank đã thất bại trong nhiều năm qua. Hiện tại, thị trường còn khó khăn, các nhà đầu tư chưa mặn mà với việc rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng, nhất là ngân hàng quy mô nhỏ như Saigonbank. Trong khi đó, theo lộ trình của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các cổ đông lớn sẽ phải thoái vốn khỏi Saigonbank là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm trên 4% và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là 8%.

Ngoài Saigonbank, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa phát hành cổ phiếu và thu về hơn 400 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ. Hiện thị trường có ít nhất 5 ngân hàng thương mại có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng hoặc cao hơn chút là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Chủ trương của NHNN là trong năm 2016, các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại quy mô vốn còn thấp, nhằm đáp ứng các thông lệ quốc tế, tạo sức mạnh trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vấn đề sở hữu chéo cũng sẽ được NHNN đẩy mạnh xử lý trong thời gian tới. Cùng với đó là lộ trình thoái vốn của các ngân hàng theo quy định Thông tư 36.

Hiện còn có một số cặp đôi ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng có vốn tại nhiều tổ chức khác nhất, khi nắm trên 7% cổ phần vốn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), 8,24% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), 5,07% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và 4,37% tại Saigonbank.

Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam tin rằng, thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2016. Riêng với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm tới việc đầu tư vào các ngân hàng nội địa. Bộ phận Tư vấn M&A của Deloitte thường xuyên nhận được các câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tình hình xử lý nợ xấu và các cơ hội đầu tư vào các ngân hàng trong nước.

Cũng theo ông Thinh, Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng và các tổ chức tài chính trong thị trường còn tương đối nhiều so với yêu cầu của nềnkinh tế, khá nhiều tổ chức tài chính đang gặp nhiều vấn đề trong hoạt động.

“Điều này có nghĩa là chúng ta mong đợi sẽ có tiếp các thương vụ M&A ngân hàng, công ty tài chính trong thời gian tới, dù có thể với tần suất thấp hơn so với mấy năm vừa qua”, ông Thinh nói và cho rằng, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là một xu hướng bắt buộc, nhất là khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn các hiệp định quốc tế.

Chuyên đề