Trong thông cáo chung với Vietnam Airlines (VNA) phát đi đầu tuần này, Techcombank xác nhận rót “tiền tươi” sở hữu 49% cổ phần hãng bay mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VNA nắm 51% cổ phần còn lại). Như vậy, Techcombank là ngân hàng nổ phát súng đầu tiên cho làn sóng M&A ngân hàng năm 2016 với đối tác khá đặc biệt.
Thương vụ M&A thứ hai, dù được cổ đông thông qua từ tháng 4/2015, nhưng dự kiến đến quý II/2016 mới kết thúc là thương vụ VietinBank - PGBank. Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sở dĩ thương vụ bị kéo dài là do “những vướng mắc trong thủ tục hành chính”. Trước đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank kỳ vọng sẽ hoàn tất thương vụ trong quý I/2016.
Ngoài hai thương vụ đã lộ diện nêu trên, lĩnh vực ngân hàng năm nay được dự đoán sẽ tiếp tục nóng lên bởi nhiều thương vụ M&A mà tên tuổi đến nay vẫn là một ẩn số. Hiện thị trường đặc biệt quan tâm đến những cái tên như SaigonBank,
Vietcombank, DongABank, Eximbank, NamABank…, nhưng các bên liên quan và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều chưa xác nhận.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank cuối năm 2015, ngân hàng này đã phải mất 2 ngày mới bầu được Chủ tịch HĐQT mới. Thế nhưng, ghế của lãnh đạo ngân hàng này vẫn “rất nóng” và dự kiến sẽ có một cuộc thay đổi nữa tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, nhất là khi lợi nhuận và nợ xấu của ngân hàng vẫn là nỗi lo của nhiều cổ đông.
Còn với SaigonBank, dù phủ nhận thông tin sáp nhập vào Vietcombank, song kế hoạch tăng vốn bất thành trong năm qua cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe ngân hàng này. Ngoài SaigonBank, trên thị trường còn có rất nhiều ngân hàng có quy mô vốn điều lệ chỉ xoay quanh 3.000 - 4.000 tỷ đồng và nhiều lần thất bại trong kế hoạch tăng vốn. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, những ngân hàng nhỏ này sẽ phải sớm tìm đối tác để M&A nếu muốn tồn tại trên thị trường.
Một trong những yếu tố nữa sẽ làm “nổi sóng” M&A ngân hàng năm 2016 là theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa 2 tổ chức tín dụng khác và tỷ lệ nắm giữ cũng phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều ngân hàng chưa hoàn thành yêu cầu thoái vốn như Vietcombank, Eximbank, VietinBank… Để hoàn thành thoái vốn, các ngân hàng trên sẽ chịu nhiều sức ép M&A trong năm 2016.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN khẳng định, năm nay, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh M&A. “Ưu tiên việc tự nguyện trước, nếu không thì buộc NHNN phải can thiệp”, ông Thanh nói.
Đặc biệt, theo lãnh đạo NHNN, một điểm đáng lưu ý là năm nay, NHNN sẽ xem xét cho phá sản một số công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Điều này nhằm tập cho thị trường làm quen với việc phá sản và đánh động các ngân hàng, cảnh báo các ông chủ ngân hàng phải nghiêm túc hơn trong hoạt động.
Trước đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán HSC, cuối năm 2016, những ngân hàng chưa niêm yết sẽ nằm trong tầm ngắm sáp nhập hoặc tái cơ cấu. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến cáo Việt Nam nên cho phá sản hoặc sáp nhập các ngân hàng tư nhân bị coi là mất thanh khoản. WB cũng cho rằng, Việt Nam cần tăng sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng trong nước, nới room sở hữu lên trên mức 30% hiện nay.