Những cơn gió “ngược” của ngành bảo hiểm năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, thị trường bảo hiểm được phen lao đao khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Theo khảo sát mới đây của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng việc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm nay.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bảo hiểm trong tháng 6/2022 và tháng 6/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bảo hiểm trong tháng 6/2022 và tháng 6/2023

Thống kê từ các nền tảng mạng xã hội cho thấy, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh bancassurance và hai vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần, từ 4,7 nghìn lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73 nghìn lượt thảo luận/ngày vào tháng 4/2023. Không chỉ dừng lại tăng lượng tin thảo luận, những sự việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của khách hàng về ngành bảo hiểm, đẩy chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Kết quả phân tích cho thấy, các cuộc thảo luận về chủ đề bảo hiểm trong năm 2022, cảm xúc chủ đạo của khách hàng đa số là trung tính (chiếm 61,5%), trong khi tiêu cực chỉ có 2,2%. Tuy nhiên, sau khi những sự việc trên liên tiếp xảy ra, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã được đẩy lên 54,0% (gấp 19 lần). Khi chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành bảo hiểm nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, thậm chí có thể làm gia tăng lượng khách hàng muốn hủy hợp đồng bảo hiểm.

Khảo sát Thói quen tiêu dùng tại Việt Nam của PwC Việt Nam công bố vào tháng 4/2023 cho biết, 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu. Điều này cũng trùng hợp với kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report khi có 74,7% doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm mới sụt giảm. Thống kê từ đầu năm nay cho thấy, việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới bán qua kênh đại lý của toàn thị trường đều giảm sút, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận tăng trưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự, ở kênh bancassurance, phí khai thác mới của hầu hết doanh nghiệp có thị phần đứng đầu cũng đều giảm mạnh.

Người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm là khó khăn tiếp theo và cũng là khó khăn khó khắc phục nhất, đã tồn tại trong nhiều năm nay. Theo kết quả khảo sát nhận thức về sản phẩm bảo hiểm của người tiêu dùng được Vietnam Report thực hiện trong tháng 5 - 6/2023, có đến 55,8% người trả lời chưa thật sự hiểu về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà mình đang tham gia. Trong đó, sản phẩm liên kết đầu tư chính là loại sản phẩm có đến 97,9% khách hàng đang tham gia nhưng không hiểu rõ về loại sản phẩm này; tiếp đến là bảo hiểm hỗn hợp (83,3%) và bảo hiểm trả tiền định kỳ (80,2%).

Theo Vietnam Report, đây là một kết quả đáng báo động khi khách hàng không thật sự hiểu về các điều khoản, quyền và nghĩa vụ với sản phẩm bảo hiểm mà mình đang tham gia, dẫn đến tình trạng khách hàng khiếu nại bồi thường sai, gây ra sự hiểu nhầm không đáng có về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bảo hiểm trong tháng 6/2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bảo hiểm trong tháng 6/2023

Dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực cho ngành bảo hiểm trong năm nay. Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành và ghi nhận top 3 cơ hội đóng góp cho tăng trưởng của doanh nghiệp ngành này trong năm 2023.

72,7% doanh nghiệp và chuyên gia trả lời khảo sát của Vietnam Report cho rằng, công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành bảo hiểm là cơ hội lớn nhất thúc đẩy sự phục hồi cho toàn ngành.

Trong những năm vừa qua, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn do tác động của Covid-19, và Insurtech đã trở thành một thị trường mang lại nhiều bước đột phá hơn trong lĩnh vực bảo hiểm. Thị trường Insurtech tại Việt Nam được dự đoán sẽ sớm đạt mức hàng chục tỷ USD, và phát triển gần 50% mỗi năm theo báo cáo của Google và Bain năm 2022. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp khách hàng nắm được thông tin một cách minh bạch, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ có thể giúp cá nhân hóa sản phẩm bảo hiểm theo nhu cầu thực tế của từng khách hàng, hoặc mức độ rủi ro thay vì thiết kế các sản phẩm "đại trà" như trước.

Chuyên đề