PwC: Người tiêu dùng đang thích ứng trong thị trường biến động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và xã hội đang phải thích nghi với trạng thái "bình thường mới". Theo đó, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi. Người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu, ưa chuộng mua sắm trên các nền tảng điện tử và ưu tiên sử dụng sản phẩm từ các nhà cung cấp có uy tín.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đó là nhận định của ông Johnathan Ooi - Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ PwC Việt Nam trong báo cáo khảo sát mới nhất về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023.

Theo ông Johnathan Ooi, các nhà lãnh đạo cần theo dõi chặt chẽ các xu hướng trên và kịp thời thích ứng để có thể duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường không ngừng thay đổi.

Báo cáo của PwC chỉ ra, 62% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho biết, họ dự kiến sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết (số liệu đối với người tiêu dùng trên toàn cầu là 69%). Bên cạnh đó, người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, với 54% số người được hỏi dự kiến giảm chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ.

Tỷ lệ người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn trong 6 tháng tới đối với một số sản phẩm, dịch vụ (Nguồn: Khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu của PwC)

Tỷ lệ người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn trong 6 tháng tới đối với một số sản phẩm, dịch vụ

(Nguồn: Khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu của PwC)

Hình thức mua sắm trực tuyến vẫn tiếp tục chiếm ưu thế - 64% dự kiến sẽ tăng tần suất mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tiếp vẫn được đánh giá cao bởi: 74% người tiêu dùng ưu tiên việc có thể kiểm tra được chất lượng sản phẩm; 58% mong muốn được trực tiếp lựa chọn/kiểm tra sản phẩm trước khi mua và 40% ít lo ngại về dịch Covid-19.

Báo cáo của PwC cũng đưa ra nhận định, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức cao hơn cho các sản phẩm mang tính bền vững. Cụ thể, 96% người tiêu dùng Việt Nam sẵn lòng chi trả ở mức giá cao hơn để mua sản phẩm từ các công ty có đạo đức kinh doanh.

Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức cao hơn đối với một số sản phẩm (Nguồn: Khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu của PwC)

Tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng chi trả ở mức cao hơn đối với một số sản phẩm

(Nguồn: Khảo sát Thói quen tiêu dùng toàn cầu của PwC)

Báo cáo của PwC đã đưa 6 ưu tiên mà các doanh nghiệp cần xem xét để có thể thích ứng với xu hướng mới hiện nay.

Chiến lược tạo khác biệt: Tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chuyển dịch từ trạng thái "ứng phó" trong thời kỳ Covid-19 sang trạng thái "dẫn đầu" để tạo tiền đề cho sự khác biệt lớn hơn.

Chú trọng yếu tố ESG: Tận dụng công nghệ trong việc thu thập, báo cáo và truyền thông về tính bền vững. Đề cao tính chân thật và minh bạch trong kinh doanh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Tiếp cận khách hàng dựa trên dữ liệu: Chuyển hướng tập trung từ "khách hàng" sang "người tiêu dùng". Thiết lập các đặc quyền truy cập thông tin cho người tiêu dùng. Có cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi tiêu dùng tại mỗi thời điểm khác nhau để mang đến các thông điệp và ưu đãi có hiệu quả thông qua chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu.

Chuỗi cung ứng tương lai: Đầu tư vào việc dự báo các kết quả và khả năng tác động trong bối cảnh biến động đa kênh. Qua đó, có thể đưa ra các quyết định kịp thời nhằm đạt được lợi thế. Cụ thể như đưa ra các quyết định rõ ràng trong việc đổi mới, phân loại và thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường dựa trên chiến lược tạo khác biệt.

Khuyến khích sự đổi mới: Xác định những kỹ năng cần thiết để mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng. Qua đó, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho các phòng ban. Khuyến khích sự đổi mới trong cách thức làm việc nhằm phá vỡ các rào cản trong việc ra quyết định và hệ thống hóa sự thay đổi một cách cấp tốc.

Chuyển đổi số để giảm chi phí: Đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng, vận dụng trong quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và khả năng phục hồi trước sự biến động. Đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới (ví dụ: cá nhân hóa tiêu dùng) bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả.

Chuyên đề