Nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) tiếp cận được lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 2 năm thực thi có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, theo Báo cáo Việt Nam sau 2 năm thực thi EVFTA từ góc nhìn DN được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, nhiều DN gặp những lực cản khiến họ khó tiếp cận lợi ích từ hiệp định này.
Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan. Ảnh: Tiên Giang
Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng ưu đãi thuế quan. Ảnh: Tiên Giang

Khó khăn gia tăng

Theo kết quả khảo sát từ 500 DN của VCCI về kết quả 2 năm đầu thực thi EVFTA, tỷ lệ DN cho biết đã hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ Hiệp định gia tăng đáng kể (gần 41%) và 76% lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 3 năm tới từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, tỷ lệ DN cho rằng còn nhiều lực cản trong việc tiếp cận những lợi ích từ EVFTA vẫn cao, từ 40 - 47%. Trong đó, phổ biến nhất là yếu tố bất định thị trường (47%), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và thách thức tận dụng (40%)...

Một trong những lợi ích lớn nhất đối với DN Việt Nam là các ưu đãi thuế quan, song, chỉ có 13% DN chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này. Với các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu (20 - 33% DN) hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác (18 - 31%). Một số ít không được hưởng ưu đãi là do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan (10 - 11%), thậm chí không biết gì về các ưu đãi này (15%).

Để tạo thuận lợi cho DN tận dụng được cơ hội hội nhập, việc điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nước rất quan trọng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, công tác này vẫn còn chậm (có 9 VBQPPL được sửa đổi, bổ sung, ban hành để nội luật hóa các cam kết, nhưng trung bình mỗi văn bản ban hành chậm 278 ngày). Điều này ảnh hưởng tới khả năng tận dụng các lợi ích từ EVFTA của các DN Việt Nam trong giai đoạn đầu. Trong một số trường hợp, hiện trạng pháp luật chưa bảo đảm việc thực thi cam kết EVFTA trên thực tế, dẫn tới khó khăn trong quá trình áp dụng hoặc hạn chế quyền mà lẽ ra DN có thể được hưởng theo cam kết.

Mặt khác, trước tác động của nền kinh tế thế giới và thay đổi địa chính trị toàn cầu hiện nay, nhiều chuyên gia dự báo, những tháng cuối năm và cả năm 2023, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phản ánh tình trạng sụt giảm đơn hàng do người dân thắt chặt chi tiêu trước lo ngại lạm phát và xung đột Nga - Ukraine… khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tương, cố vấn cao cấp Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, dịch vụ logistics cũng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA khi xuất nhập khẩu gia tăng. Nhưng khi giao thương hàng hóa giảm thì ngành dịch vụ như logistics cũng bị sụt giảm theo.

Không thể vì khó mà bỏ thị trường

Để khắc phục khó khăn và tận dụng các cam kết hội nhập hiệu quả, an toàn và bền vững hơn, nhiều ý kiến cho rằng DN cần chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, các biến động của kinh tế thế giới, khủng hoảng Nga - Ukraine, lạm phát tại EU tác động đến nhu cầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiến độ giao - nhận hàng… để chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

“Sự chủ động trong nhận thức và hành động của DN là điều kiện cần và các nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh là điều kiện đủ. Sự hợp tác, liên kết giữa các DN, đặc biệt trong khuôn khổ các hiệp hội, sẽ là yếu tố trợ lực có ý nghĩa”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Nhóm nghiên cứu của VCCI nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Tương, DN cần tiếp tục duy trì thị trường EU, không nên vì những khó khăn trước mắt mà từ bỏ thị trường lớn và đầy tiềm năng này. Mặt khác, các DN cũng cần tính tới việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường ngoài EU như Đông Nam Á, châu Á… Đồng thời, cần chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bản thân các DN ngành logistics cũng phải thay đổi bằng cách áp dụng chuyển đổi số, kết nối mạng lưới, tích hợp và giảm chi phí để tăng năng lực cạnh tranh.

Cũng theo ông Tương, các cấp chính quyền cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho DN như cách TP.HCM đã giảm phí cảng biển. Nếu các địa phương khác như Hải Phòng cũng làm được như vậy, thì DN sẽ được “chắp thêm đôi cánh” vượt qua khó khăn, tăng khả năng cạnh tranh để tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập.

Bên cạnh yêu cầu kỹ thuật về việc điều chỉnh một số quy định, cơ chế thực thi phù hợp và thuận lợi hơn, VCCI cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ thông tin chi tiết, chính xác và cập nhật về cam kết trong EVFTA và các FTA theo nhu cầu để DN tiếp cận dễ dàng hơn; đồng thời hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, kết nối và bảo vệ DN.

Chuyên đề